Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những lời chê “làm nóng” truyền thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua, truyền thông liên tục cập nhật thông tin về vụ bình luận trên facebook của ba cán bộ đối với Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chương trình “Những kẻ lắm lời”.

Điều dễ dàng nhận ra là cả hai thông tin trên đều liên quan đến vấn đề “chê” người khác một cách công khai trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cùng với việc xử phạt người "chê", hai sự kiện này lại tạo ra những “làn sóng dư luận” khác nhau.

Thu hồi quyết định phạt vì chê Chủ tịch tỉnh

Cụ thể về vụ việc chê Chủ tịch tỉnh trên facebook, khoảng tháng 10/2015, bà Lê Thị T.T. - Tổ trưởng tổ chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Long Xuyên (TP Long Xuyên) đọc báo và thấy nội dung “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh An Giang”. Bà T. liền đăng lại nội dung này lên facebook của mình.

Sau đó, bà T. vào bình luận về gương mặt ông chủ tịch UBND tỉnh An Giang: “nhìn cái mặt kênh kiệu…”. Sau khi bà T. đưa nội dung trên lên facebook, ông Nguyễn Huy P. – nhân viên Điện lực An Giang và bà Phan Thị K.N. - Phó Văn phòng Sở Công thương, sử dụng tài khoản của chồng là ông P. đều vào bình luận

Sau sự việc này, Sở Thông tin Truyền thông tỉnh An Giang đã ra quyết định xử phạt bà T.T., và ông Huy P. mỗi người 5 triệu đồng với lý do cả 2 vi phạm truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác. Riêng bà Phan Thị Kim N., do không trực tiếp vi phạm nên chỉ bị nhắc nhở.

Ngoài ra, bà T. còn bị Ban Giám hiệu Trường THPT Long Xuyên xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo Luật viên chức. Bà Phan Thị K.N. cũng bị Sở Công thương kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về Đảng và chính quyền. Chồng bà N. là ông P. cũng bị Ban chấp hành Đảng ủy Công ty Điện lực An Giang xử lý về chính quyền bằng hình thức phê bình bằng văn bản trong toàn công ty.

Sau khi sự việc xảy ra, Đảng ủy Khối Dân chính Đảng đã tiến hành điều tra và xử lý 3 cán bộ,
đảng viên lợi dụng việc sử dụng facebook  xúc phạm lãnh đạo tỉnh tại văn bản số 58-CV/ĐUK ngày 28/10/2015. Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang cũng có công văn đề nghị Cổng thông tin điện tử An Giang, Báo An Giang phối hợp thông báo kết quả xử lý, chấn chỉnh 3 cán bộ dùng mạng xã hội xúc phạm lãnh đạo tỉnh.
Tại buổi họp báo, ông Hồ Việt Hiệp yêu cầu những đơn vị liên quan không chỉ tổ chức xin lỗi các cá nhân tại đơn vị mà còn phải đăng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và Báo An Giang để người dân địa phương được biết.
Tại buổi họp báo, ông Hồ Việt Hiệp yêu cầu những đơn vị liên quan không chỉ tổ chức xin lỗi các cá nhân tại đơn vị mà còn phải đăng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và báo An Giang để người dân địa phương được biết.
Thậm chí, sự việc còn làm nóng bên lề nghị trường của Quốc hội. Sáng 16/11, bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (Bộ TT-TT) Nguyễn Bắc Son chia s, "trang tin xã hội nên được sử dụng để đăng tải thông tin tốt, tạo hiệu ứng lan truyền trong xã hội. Đời sống trên mạng cũng như ngoài đời thường, động viên khích lệ thì tốt quá, nhưng giấu danh tính để nói xấu người khác thì không được”.
Tới chiều 23/11, Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, ông Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với sự tham gia của các ngành chức năng có liên quan, yêu cầu các đơn vị này phải sớm xem xét về việc thu hồi các quyết định xử phạt hành chính, kỷ luật đối với 3 cán bộ này hướng nhẹ nhàng hơn để nhằm mục đích nhắc nhở không được chê bai người khác quá đáng trên mạng xã hội. Trong ngày 24/11, các sở ngành liên quan đến vụ việc xem xét theo hướng rút lại các quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với bà T. và ông P. Đảng ủy khối dân chính Đảng cùng với Sở Công thương thu hồi quyết định cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền đối với bà N. Tất cả 3 cán bộ này sẽ được xem xét xử lý ở mức thấp nhất theo hướng phê bình, nhắc nhở tại đơn vị công tác.

Sáng 24/11, tại cuộc giao ban nhà nước về báo chí hàng tuần, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chia sẻ vụ việc cô giáo like facebook bị phạt 5 triệu đồng như một bài học về việc quản lý. Theo quan điểm Bộ TT&TT, trường hợp cụ thể tại An Giang mà ra quyết định xử phạt hành chính và kỷ luật về Đảng là chưa thoả đáng. Bộ TT&TT thấy việc phải thu hồi và hủy các quyết định xử phạt, kỷ luật này là hoàn toàn đúng đắn. Việc sử dụng quyền lực Nhà nước trong vụ việc này không hợp lý, thậm chí phản cảm. Sở TT&TT An Giang cần rút kinh nghiệm ngay vụ việc không đáng xảy ra này.

Và dư luận đã lắng xuống khi ngày 26/11, UBND tỉnh An Giang tổ chức họp báo thông tin về việc xử lý cán bộ chê chủ tịch UBND tỉnh trên Facebook. Theo đó, các sở, ngành liên quan phải tổ chức xin lỗi công khai sau khi hủy bỏ các quyết định xử phạt hành chính, kỷ luật đối với bà T., ông P. và bà N. Việc thay đổi các hình thức xử lý hiện nay đối với 3 cán bộ nêu trên là do quy trình, nội dung xử phạt của các cơ quan chức năng chưa bảo đảm theo quy định pháp luật. Các cá nhân liên quan đã thành khẩn nhìn nhận trách nhiệm, tự giác khắc phục sai phạm và có ý kiến đề nghị xem xét giảm nhẹ hình thức xử lý.

Trước đó, chiều 25/11, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang đã mời bà T. và ông P. đến để trao quyết định về việc hủy bỏ các quyết định xử phạt hành chính trước đó. Đoàn thanh tra của Sở đã xin lỗi và nhận được sự cảm thông từ 2 người này.

“Những kẻ lắm lời” bị yêu cầu đình chỉ

Bitches in town (Những kẻ lắm lời) do MC Thùy Minh lên ý tưởng và được chính công ty riêng của cô tổ chức sản xuất, hợp tác với kênh Youtube phát hành. Show đã phát được hơn 20 tập, bàn luận nhiều vấn đề khác nhau, nhưng tập trung nhiều vào mảng giải trí. Ba MC có những cuộc trò chuyện mang tính chất mổ xẻ những vấn đề thời sự, xã hội, showbiz, từ khóa đang được giới trẻ sử dụng nhiều nhất trên mạng xã hội... với tiêu chí nói thẳng, nói thật và “vui là chính”. Tuy vậy, những nhận xét “vui là chính” của các MC trong chương trình liên tiếp nhận được sự phản ứng gay gắt từ dư luận cũng như từ các sao Việt.

 
Những lời chê “làm nóng” truyền thông - Ảnh 1
Đặc biệt, sau khi Hoa hậu Đặng Thu Thảo lên tiếng đề nghị êkíp dừng sản xuất chương trình, sao Việt cũng đồng loạt chỉ trích gay gắt. Tới ngày 25/11, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT-TT đã có văn bản gửi Công ty TNHH Monday Morning, yêu cầu tạm ngừng chương trình “Những kẻ lắm lời” (Bitches in Town), gỡ bỏ các tập có nội dung phản cảm đang phát trên YouTube. Công văn nêu rõ: “Qua theo dõi trên mạng, được biết từ tháng 6.2015 đến nay, Công ty TNHH Monday Morning đã cho phát trên YouTube hơn 20 chương trình Bitches in Town (Những kẻ lắm lời). Rất nhiều nội dung trong các chương trình này có ngôn từ nhận xét, đánh giá thô tục, phản cảm, thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của nhiều cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.”

Hơn thế nữa, với việc phát sóng không “chính danh”, sử dụng tên tuổi nghệ sĩ để kinh doanh, trục lợi, có xuất hiện của các đoạn quảng cáo các sản phẩm, thương hiệu, ekip sản xuất “Những kẻ lắm lời” còn đứng trước nguy cơ bị khởi tố tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 Bộ luật Hình sự.

Trong khi đó, tại Mỹ, chương trình kiểu “chê thẳng, chê thật” những nhân vật của công chúng đang nhận được sự quan tâm, không chỉ của công chúng mà bản thân các ngôi sao cũng vô cùng hứng thú. Mỗi tập của "Celebrities Read Mean Tweets" - tự đọc lời chê - khi phát trên Youtube đều hút hơn triệu lượt xem, thậm chí vài chục triệu. Một show khác có tên Mean Tweets cũng có cách chê nghệ sĩ rất văn minh và được dư luận đón nhận. Nhưng, truyền thông phương Tây vốn dĩ đã quen với cách nhìn đa chiều.

Trong khi tại Việt Nam “Những kẻ lắm lời” là chương trình đầu tiên, lại không cắt gọt những đoạn 3 MC bình luận như ngồi ở hàng nước rồi cười hô hố. Văn hóa của Việt Nam dù đang đồng hành cùng sự phát triển của thế giới nhưng vẫn có nét đặc trưng, nét khác biệt so với phương Tây. Vì thế việc áp dụng chương trình Tây, văn hóa “chê” của Tây vào nước ta phải có sự sàng lọc, kế thừa từ gốc của văn hóa Việt.

“Những kẻ lắm lời” có lẽ sẽ không bị tẩy chay, bị yêu cầu dừng phát sóng nếu 3 MC của chương trình- những người được đánh giá cao về khả năng ngôn ngữ (Thùy Minh, cây bút trẻ Nguyễn Ngọc Thạch, stylist Lê Minh Ngọc) khéo léo xử lý lời bình luận mang tính chất xúc phạm bằng những lời “chê” mang tính góp ý.

Việc yêu cầu dừng phát sóng của Bộ TT-TT cũng phần nào giải toả được thắc mắc của dư luận thời gian qua: là một talk show không “chính danh”, nghĩa là không xin cấp phép, không được phát sóng trên các kênh truyền hình, chỉ đăng tải trên Youtube thì những biểu hiện “quá quắt” như thế liệu cơ quan quản lý có để mắt đến hay không.

Từ hai sự việc trên, dư luận đều dễ dàng nhận ra, cộng đồng mạng xã hội (facebook và youtube) đang có một tiếng nói và sức ảnh hưởng, lan tỏa lớn tới nhiều người. Đó cũng là nơi phát hiện ra nhiều lời bình luận chưa đẹp về các đối tượng khác nhau trong xã hội. Cả hai vụ việc đều gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về cách sử dụng và quản lý mạng xã hội hiện nay. Trong đó, việc quản lý mạng xã hội hiện nay là điều mà ngay cả Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Tuấn cũng phải thừa nhận “là một bài toán khó đối với cơ quan quản lý nhà nước. Đó là phải làm sao cân bằng cho được quyền lợi thông tin, phản biện của công dân với quyền lợi của Nhà nước trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.”

Còn về phía người sử dụng, những người tham gia mạng xã hội nên trang bị kiến thức pháp luật khi sử dụng một tài khoản nào đó, nhất là các vấn đề xâm phạm bí mật đời tư, bôi nhọ uy tín danh dự. Và, "tất cả chúng ta đều phải rút kinh nghiệm với một tinh thần cầu thị để cùng hướng tới một xã hội thông tin lành mạnh, nhân văn hơn”, như lời Thứ trưởng Trương Minh Tuấn từng phát biểu.