Tuần làm việc thứ tư của Quốc hội
Từ ngày 12/11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV bắt đầu tuần làm việc thứ tư. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục là nội dung chiếm nhiều thời lượng tại tuần làm việc này.
Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Chiều 12/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền rà soát các dự án luật, văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Thủ tướng chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP.
Các đại biểu Quốc hội nhất trí cho rằng, Việt Nam có cơ hội lớn khi tham gia CPTPP như thị trường lớn hơn, ưu đãi hơn, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với 10 nước còn lại bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh. Việc tham gia CPTPP cũng giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới chính sách, tăng cường hội nhập, phát triển...
CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Thông qua 2 Nghị quyết, 1 luật quan trọng
Cùng với Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong tuần làm việc thứ tư Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Đồng thời Quốc hội đã thảo luận về các dự án: Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục (sửa đổi).
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước ASEAN. Ảnh: VGP. |
Dấu ấn Việt Nam tại sự kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN
Diễn ra từ ngày 13 - 15/11/2018, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị cấp cao liên quan là sự kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN với sự tham gia của lãnh đạo 10 nước ASEAN và các nguyên thủ và lãnh đạo của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Australia cùng với Ca-na-đa (Chủ tịch G7), Chi-Lê (Chủ tịch G20) và IMF.
Trong thời gian 3 ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc phong phú và khẩn trương với nhiều hoạt động đa dạng, cả song phương và đa phương, các cuộc ăn sáng, trưa, tối đều là các cuộc làm việc, bao gồm: Dự, phát biểu tại 18 hội nghị, phiên họp; có cuộc tiếp, làm việc với Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Chi-Lê, Hàn Quốc, Thủ tướng Australia, Ma-lai-xia, Quốc vương Brunei và các cuộc trao đổi quan trọng bên lề Hội nghị với Tổng thống Nga V. Putin, Thủ tướng Nhật, Thủ tướng Canada, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Lào, Thủ tướng Campuchia để thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương; tiếp lãnh đạo Tập đoàn Sembcorp, một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào Việt Nam với 9 Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP).
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã cùng với Nguyên Thủ tướng, Bộ trưởng cấp cao Gô-Chốc-Tông cắt băng khai trương “Tuần lễ hàng Việt Nam” tại Singapore - sự kiện đặc biệt quảng bá hàng Việt Nam tại Singapore, Việt Nam là nước duy nhất tổ chức sự kiện như vậy trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các phát biểu quan trọng, đưa ra nhiều đề xuất, biện pháp, đóng góp vào nhiều văn kiện, thỏa thuận được thông qua tại Hội nghị, phản ánh nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là liên quan trực tiếp đến lợi ích người dân các quốc gia ASEAN.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Australia và Trưởng đoàn Đài Bắc - Trung Hoa đồng chủ trì phiên trao đổi với các doanh nghiệp ABAC. Ảnh: TTXVN/Thống Nhất |
Thủ tướng tham dự APEC lần thứ 26
Sáng 17/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 tại Papua New Guinea. Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã dự lễ đón dành cho các nhà Lãnh đạo APEC do Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill chủ trì với những nghi thức trang trọng và truyền thống.
Sau đó, Thủ tướng dự 2 cuộc đối thoại quan trọng tại APEC 2018 là Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC và Đối thoại của các nhà lãnh đạo APEC với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương.
Tại cuộc Đối thoại Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), các thành viên ABAC, đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương đã đệ trình lên các nhà lãnh đạo APEC nhiều khuyến nghị quan trọng nhằm tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, kết nối, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, phát triển kinh tế số, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển bao trùm, xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020…
Sau phiên Đối thoại toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Australia và Trưởng đoàn Đài Bắc - Trung Hoa đồng chủ trì phiên trao đổi với các doanh nghiệp ABAC. Các doanh nghiệp đã nêu những quan tâm cụ thể về thương mại tự do và mở, kinh tế số và kinh tế mạng, tăng trưởng bền vững, bao trùm, chia sẻ đồng đều lợi ích của tự do hóa thương mại cho mọi người dân.
Nhiều thành viên ABAC đã chúc mừng Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khẳng định đây là cơ hội to lớn để các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Sau các cuộc trao đổi hết sức thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp khu vực, Thủ tướng đã tham dự Đối thoại của các nhà lãnh đạo APEC với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương. Đối thoại có sự tham dự của lãnh đạo 14 quốc đảo Thái Bình Dương, gồm Quần đảo Cook, Liên bang Micronesia, Kiribati, Cộng hòa các đảo Marshall, Nauru, New Caledonia, Niue, Fiji, French Polynesia, Tonga, Tuvalu, Vanuatu, Samoa và các đảo Solomon.
Tuần đầu xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ trên mạng
Từ ngày thứ 2 (12/11), phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến các ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa đã bắt đầu diễn ra. Sáng 12/11, chủ tọa phiên tòa công bố quyết định của Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ đưa vụ án ra xét xử.
Từ đầu phiên xét xử chiều 12/11, đại diện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng. Do cáo trạng dài tới 235 trang nên phần đọc cáo trạng kéo dài sang ngày 13/11.
Bản cáo trạng truy tố 92 bị cáo trong vụ án về các tội danh “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; “Tổ chức đánh bạc”; “Đánh bạc”; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Rửa tiền”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, TP.
Với số người tham gia tố tụng lên tới hơn 200 người, những khoản tài sản phạm tội rất lớn và nhiều bị cáo từng là cấp tướng, giữ vị trí cao trong ngành Công an... phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc qua mạng được xem là phiên tòa lịch sử tại Phú Thọ.
Phan Sào Nam thừa nhận hưởng lợi 1.415 tỷ đồng
Theo cáo trạng, quá trình điều tra, xác minh cho thấy: Quy mô của vụ án xảy ra trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; về số lượng đối tượng phạm tội lên đến hàng chục ngàn người, đa dạng về thành phần, trong đó có cả các đối tượng thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật.
Do vậy, ngày 7/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công an có Văn bản số 2124a giao cho Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ điều tra triệt để vụ án. Xét tính chất phức tạp cả về quy mô và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự tỉnh Phú Thọ đã thống nhất báo cáo liên ngành tư pháp Trung ương tách vụ án ra làm 2 giai đoạn.
Trong một tuần qua, lần lượt các bị cáo được xem là “mắt xích” quan trọng của vụ án đã được đưa ra xét hỏi. Các bị cáo đã khai ra những tình tiết quan trọng, mấu chốt giúp vụ án dần được sáng tỏ.
Trong phiên xét hỏi chiều 17/11, bị cáo Phan Sào Nam khai, đến nay bị cáo đã nhận thức những việc liên quan đến game bài là hoạt động tổ chức đánh bạc và việc xử lý chi phí qua các công ty là rửa tiền. Bị cáo nhấn mạnh, nội dung cáo trạng là đúng.
Phan Sào Nam thừa nhận số tiền hưởng lợi từ trò chơi đánh bạc là 1.415 tỷ đồng. Về chi tiết sử dụng số tiền này, Nam khai, một số lượng lớn lưu giữ ở dạng tiền mặt; một số thì đầu tư vào các công ty kinh doanh các lĩnh vực mới; một số đầu tư bất động sản; một số do người thân, bạn bè cất giữ hộ.
Nam khai chuyển 236 tỷ đồng cho dì ruột là Phan Thu Hương, lúc đó chỉ nhờ cất giấu, sau đó nhờ Hương đầu tư sinh lời. Cũng theo Nam, dì ruột và những người bạn bè của Nam được gửi cất hộ thì không hề biết nguồn gốc của số tiền.
|
Ảnh: Ủy ban Kiểm tra Trung ương |
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cán bộ
Từ ngày 12 đến 14/11/2018, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 31 dưới sự chủ trì của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.
Với ông Tất Thành Cang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương kết luận: Ông Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các DN thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại DN; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ TP.
Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Về Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Sau khi xem xét khách quan, toàn diện các vi phạm, khuyết điểm của các cá nhân; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định:
Thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Đổi mới DN, nguyên Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ.
Thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và đồng chí Trần Văn Hiếu, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với ông Bùi Quang Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngoài ra, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Hảo - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên thành viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Cũng trong kỳ họp này, UBKT Trung ương đã cho ý kiến vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ.
|
Hai bị can: Cao Duy Hải (trái) và Phạm Thị Phương Anh (phải). Ảnh: Bộ Công an. |
Bắt nguyên Tổng giám đốc Mobifone
Ngày 14/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã bắt tạm giam ông Cao Duy Hải - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Mobifone, hiện là cán bộ Văn phòng Tổng công ty Viễn thông Mobifone.
Ông Hải bị bắt về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Khoản 3, Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng bắt tạm giam bà Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Mobifone, về cùng tội danh.
Trước đó, UBKT Trung ương kết luận ông Cao Duy Hải có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc tham mưu cho Hội đồng thành viên Tổng công ty trình Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG; trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến dự án trái quy định.
Những vi phạm ông Cao Duy Hải được kết luận là rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của Mobifone, đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, gây bức xúc trong xã hội.
Với bà Phạm Thị Phương Anh, vào tháng 8, Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương kỷ luật cảnh cáo do xác định thiếu trách nhiệm trong việc tham gia, trực tiếp đàm phán và chỉ đạo đàm phán với các cổ đông AVG.
Bà Phương Anh trực tiếp đàm phán, thoả thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG gây thiệt hại cho Mobifone; không kiểm tra tư cách pháp nhân của AVG, tính pháp lý của các cổ đông và cổ phần AVG...
|
Từ trái qua phải bị can Nguyễn Xuân Thủy, bị can Khương Anh Tuấn, bị can Hoàng Đình Tâm. (Ảnh: Bộ Công an) |
Bắt tạm giam 3 cựu cán bộ PVB
Ngày 14/11 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt và khám xét với Nguyễn Xuân Thủy (SN 1961, nguyên Phó phòng Đầu tư dự án); Khương Anh Tuấn (SN 1975, nguyên Phó phòng Thương mại); Hoàng Đình Tâm (SN 1981, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế toán) của Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí về hành vi Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng thực hiện lệnh khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với Lê Thanh Thái (SN 1960), Trưởng phòng Thương mại cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí với cùng tội danh trên.
Ethanol Phú Thọ là dự án nguyên liệu sinh học nhằm sản xuất ethanol làm nguyên liệu phối trộn tạo xăng sinh học, được Công ty Cổ phần PVB khởi công từ tháng 6/2009, trên diện tích 50 ha (chủ yếu là đất trồng lúa của nhân dân 3 xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương - huyện Tam Nông, Phú Thọ). Dự án có vốn đầu tư ban đầu là khoảng 1.700 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỷ đồng.
Mặc dù dự án này được triển khai sớm nhất trong 3 dự án sản xuất Ethanol nhiên liệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), song đến nay vẫn chưa hoàn thành do nhà thầu Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) dừng thi công từ tháng 11/2011.
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ đã tiêu tốn hơn 1.534 tỷ đồng nhưng đến thời điểm thực hiện thanh tra (tháng 9/2016) vẫn dang dở, bế tắc.
Trước những sai phạm phát hiện trong quá trình thanh tra, TTCP đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra và xử lý những sai phạm tại dự án nghìn tỷ đồng này.
Sớm có kết quả cụ thể vụ lùi xe gây tai nạn trên cao tốc
Liên quan đến vụ án "lùi xe gây tai nạn trên cao tốc" gây xôn xao dư luận thời gian qua, sáng 13/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hoà Bình cho biết: Một tuần sau sẽ thông tin cụ thể.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tại cuộc họp tối 12/11, TANDTC đã tham vấn ý kiến chuyên môn, trong đó có chuyên môn về pháp luật ở cơ quan điều tra (Bộ Công an), Viện Kiểm sát nhân dân... Nhưng quan trọng hơn là tham vấn về kỹ thuật giao thông, có các chuyên gia đến từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Viện Khoa học hình sự và cơ quan khám nghiệm hiện trường.
"Thông qua cuộc họp, nhiều nội dung đã được khẳng định, có những vi phạm được khẳng định, nhưng cũng có những nội dung cần tiếp tục làm rõ. Trên cơ sở cuộc họp này, chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của TAND tối cao nghiên cứu kỹ hồ sơ và thời hạn nghiên cứu là khoảng 1 tuần. 1 tuần sau, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể", Chánh án TANDTC nói.
Trả lời câu hỏi về việc những vi phạm đã được khẳng định trong vụ án, Chánh án cho biết: Lái xe Innnova có những vi phạm rõ ràng như uống rượu, lùi xe trên đường cao tốc, chở khách quá số lượng cho phép.
Song cũng có những nội dung được nêu ra trong quá trình tranh tụng nhưng chưa được giải quyết đến cùng như: Thiết bị an toàn của xe container, điểm va chạm đầu tiên của 2 xe, tốc độ lùi của chiếc xe Innova…
"Tất cả nội dung này không đơn thuần chỉ là vấn đề pháp lý mà còn mang tính kỹ thuật nên rất cần ý kiến chuyên môn của các chuyên gia về giao thông. Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia giao thông, thậm chí có tính tới việc là phải trưng cầu giám định lại", Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin.
Cũng theo Chánh án TANDTC, vụ án này, theo quy định của pháp luật thì tiến trình tố tụng đã đóng lại bằng phiên tòa phúc thẩm, nếu không có kháng cáo, kháng nghị. Vì vậy, phải mở tố tụng theo đúng quy định và khi đó chúng ta sẽ giải quyết câu chuyện này một cách khoa học.
|
Thiệt hại nặng nề do mưa lũ tại Nha Trang |
Bão số 8 suy yếu nhanh chóng nhưng để lại hậu quả rất nặng nề
Vào những ngày cuối tuần, bão số 8 đã hình thành trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Nam Trung Bộ. Tuy đã suy yếu nhanh chóng thành áp thấp nhiệt đới, nhưng mưa lớn từ hoàn lưu bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.
Cuối giờ chiều 18/11, theo thống kê sơ bộ TP Nha Trang (Khánh Hòa) là nơi hứng chịu thiệt hại lớn nhất. Mưa như trút vào ngày 17 - 18/11 đã gây sạt lở đất nghiêm trọng khiến ít nhất 9 người chết, 4 người mất tích. Cụ thể, phường Vĩnh Thọ 2 người chết; phường Vĩnh Trường 1 người chết và 1 người mất tích; phường Vĩnh Hóa 2 người chết và 1 người mất tích; xã Phước Đồng 4 người chết và 2 người mất tích.
Theo chia sẻ của nhiều người dân xã Phước Đồng, đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm, địa phương mới xảy ra tình trạng sạt lở đất. Tại các địa phương, khối lượng sạt lở đất đá, cây cối gãy đổ rất lớn.
Hiện, Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đang tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng và người dân địa phương dọn dẹp hiện trường, tìm kiếm người còn bị mất tích dưới đống đổ nát. Dù vậy, công tác tìm kiếm gặp khá nhiều bất lợi, do mưa vẫn tiếp diễn và địa hình đồi núi khiến việc di chuyển, đưa trang thiết bị tham gia tìm kiếm, cứu nạn gặp khó khăn.
Bên cạnh TP Nha Trang, hoàn lưu bão số 8 gây lốc xoáy tại danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, Phú Yên) cũng đã khiến ít nhất 23 du khách và 4 người dân địa phương bị thương. Trận lốc xoáy chỉ diễn ra trong khoảng 10 phút, nhưng đã khiến hàng chục hàng quán ven danh thắng bị thổi bay tan tác. Nhiều phương tiện hư hỏng do bị cây cối, mái tôn, cột sắt… bay trúng.
Tối 18/11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào... đồng thời yêu cầu các cấp chính quyền tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống người dân.