Khó có thể gia tăng về lượng
Thời gian qua, XK đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước, với sự tăng tốc ngoạn mục, đạt tới hơn 160 tỷ USD (năm 2015). Đáng chú ý, XK trong 5 năm gần đây (2011-2015) đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, điểm nổi bật của hoạt động XNK là tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK cao đi liền với kiềm chế có hiệu quả nhập siêu.
Theo đó, kim ngạch XK giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 17,5%/năm, cao hơn 5,5% so với chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra tại Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 là 12%/năm. Cơ cấu mặt hàng XK có chuyển dịch theo chiều hướng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tăng nhanh, phù hợp với định hướng của Chính phủ. Các mặt hàng chủ lực có quy mô XK lớn như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng… tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định, đồng thời đã phát triển thêm nhiều mặt hàng XK mới thuộc nhóm công nghệ như điện thoại di động, máy vi tính, thiết bị điện tử.
Tuy nhiên, XK của Việt Nam vẫn thể hiện những hạn chế nhất định, trong đó có vấn đề dễ bị tổn thương trước biến động từ bên ngoài như giá cả thị trường thế giới, sự xuất hiện rào cản thương mại mới, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước NK. Bởi lẽ, dù tỷ lệ hàng đã qua chế biến bước đầu được cải thiện song đa số các mặt hàng nông sản, khoáng sản XK chủ lực của Việt Nam được XK dưới dạng thô hoặc sơ chế, cho giá trị gia tăng thấp.
Nhiều ngành hàng XK chủ lực vẫn còn mang tính gia công và còn phụ thuộc vào nguyên liệu NK. Chưa kể đến, XK của Việt Nam đến nay đã “đến ngưỡng” khó có thể gia tăng được về lượng. Do vậy, muốn tăng tốc XK đúng như mục tiêu, nhiệm vụ của của kế hoạch 5 năm tới (2016-2020), việc nâng cao chất lượng sẽ là giải pháp được ưu tiên hàng đầu.
Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương đang xây dựng đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng XK của Việt Nam thời kỳ 2015-2020, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu lớn nhất của đề án là nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa XK Việt Nam trên thị trường thế giới thông qua tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, mở rộng thị trường XK. Bên cạnh đó, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu của “Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030”.
Sẽ có ưu tiên
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, Đề án sẽ tập trung vào “đầu tư” cho những mặt hàng mà Việt Nam đang có lợi thế XK và sẽ có lợi thế XK. Cụ thể, trong nhóm hàng nông lâm thủy sản, các mặt hàng đang có lợi thế XK như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm chế biến từ sắn, rau quả.
Các mặt hàng sẽ có lợi thế XK như chè, mật ong. Có thể thấy, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và sắp ký trong thời gian tới được dự báo là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho 2 mặt hàng Việt Nam sẽ có lợi thế. Ví dụ như FTA Việt Nam- EU, FTA Việt Nam- Hàn Quốc, các nước cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực cho mặt hàng mật ong. Trong khi đó, Việt Nam hiện là một trong 6 nước XK mật ong hàng đầu thế giới, hàng năm có tới 60% sản lượng mật ong được XK. Do vậy, việc đưa mật ong vào những mặt hàng sẽ có lợi thế XK cũng là điều dễ hiểu.
Với nhóm hàng công nghiệp, Bộ Công Thương vẫn xác định dệt may, giày dép, đồ gỗ, vali túi xách, điện thoại các loại và linh kiện, máy tính sản phẩm điện tử và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, nhựa và sản phẩm nhựa, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, dây điện, cáp điện vẫn sẽ là những mặt hàng có lợi thế XK.
Các mặt hàng sẽ có lợi thế XK thuộc về nguyên phụ liệu dệt may, da giày, phân bón, hóa chất. Dự báo này có lẽ cũng xuất phát từ những cơ hội nhìn thấy của các FTA. Ví dụ như, mặt hàng dệt may sẽ có lợi thế lớn từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam- EU, hay Việt Nam- Hàn Quốc khi thuế suất NK giảm. Mặt khác, cơ hội từ các hiệp định này cũng kéo theo xu hướng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nguyên phụ liệu. Khi đó, Việt Nam sẽ chờ cơ hội để có thể XK nguyên phụ liệu dệt may. Mặt hàng giày dép cũng tương tự như vậy.
Thực hiện ra sao?
Giải pháp đầu tiên để thực hiện Đề án được Bộ Công Thương nhấn mạnh tới là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và XK. Theo đó, đối với nông sản chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, tiêu thụ; đối với sản phẩm công nghiệp; chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa.
Bên cạnh đó, sẽ đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn phù hợp quốc tế đối với các sản phẩm XK bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường. Việc nâng cao hiệu quả công tác và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tập trung vào các hàng hóa có thế mạnh, các thị trường tiềm năng và các thị trường ngách để mở ra các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường XK cũng là biện pháp được “nhắm” tới.
Hiện hàng hóa của Việt Nam đã được XK tới hơn 200 quốc gia song hầu hết người tiêu dùng trên thế giới đều không biết đến hàng hóa của Việt Nam. “Khiếm khuyết” này xuất phát từ việc hàng hóa không có thương hiệu. Do vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, Việt Nam cần gấp rút xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm để “định vị” mình trên thị trường quốc tế, đồng thời tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm XK của Việt Nam.
Ở Đề án này, Bộ Công Thương cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 xây dựng thương hiệu sản phẩm cho 30 sản phẩm XK trở lên, xây dựng thương hiệu DN cho 100 DN XK trong nước trở lên, con số này sẽ tăng lên 80 và 300 vào năm 2030.
Nhóm hàng công nghiệp vẫn sẽ là những mặt hàng có lợi thế xuất khẩu.
|