KTĐT - Không nghiện hút, phá phách, lêu lổng theo nhóm bạn xấu, cô chỉ có một khuyết điểm là hay ăn cắp, của cả những người trong gia đình và ngoài xã hội.
Gần 30 tuổi, lớn lên trong một gia đình nề nếp, học giỏi, giao tiếp tốt nhưng Thanh lại có tật ăn cắp. Dù biết sai nhưng cô không thể kiểm soát được hành vi của mình những lúc nhìn thấy sự sơ hở của người khác.
Không nghiện hút, phá phách, lêu lổng theo nhóm bạn xấu, cô chỉ có một khuyết điểm là hay ăn cắp, của cả những người trong gia đình và ngoài xã hội. Từ năm 5 tuổi, cô đã có hành vi này và tiếp tục cho đến khi trưởng thành dù hầu như không lần nào trót lọt. Nhiều lần bị đưa ra pháp luật, xử tù nhiều năm nhưng Thanh vẫn chứng nào tật ấy.
Không phải vì thiếu thốn mà cô đi ăn cắp, mà đơn giản chỉ là không thể kiềm chế ham muốn lấy đồ cho bằng được. Điều này khiến cả gia đình cô đau lòng khi thấy con phạm pháp mà không thể làm gì giúp được.
"Khuyên bảo, răn đe, rồi động viên con cải tạo tốt để hoàn lương nhưng vẫn không được. Bản thân nó cũng biết là mình sai, 'rất đáng xấu hổ, đáng bị trừng phạt nhưng lại không thể kiềm chế được', nghe con nói thế tôi lại càng xót xa hơn", mẹ Thanh bùi ngùi cho biết.
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng Phòng khám Tuna (Phố Vọng, Hà Nội) cho biết, trẻ ở mọi lứa tuổi, từ chưa đến tuổi đi học đến những trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên đều có thể thực hiện hành vi trộm cắp. Có trẻ ăn cắp vì muốn có cảm giác hồi hộp hoặc như một cách để nổi loạn, để xả stress hay như một cách phản kháng lại gia đình. Nhưng khi hành vi đó lặp đi lặp lại từ nhỏ, trong vòng 6 tháng liền thì được gọi là chứng rối loạn hành vi, một bệnh lý về tâm thần như trường hợp của Thanh.
Trẻ mắc bệnh lý này không phải là hiếm gặp. Đang học lớp 7 ở một trường công lập, Hùng được cha mẹ xin chuyển sang một trường tư, chất lượng cao. Lý do là ở trường cũ, cậu hay ăn cắp đồ vật của các bạn, hở ra cái gì là lấy. Vì thế, bố mẹ xin cho cậu chuyển trường, hy vọng với sự quản lý chặt chẽ của trường mới, cậu sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, theo lời kể của chị Xuân, mẹ Hùng thì ở môi trường mới toàn con nhà giàu, nhiều đồ đẹp, vì thế hành vi ăn cắp của cậu không những không thay đổi mà càng có nhiều cơ hội thực hiện. Lâu lâu, mở cặp sách của con lại thấy toàn đồ mới, dù gia đình không mua cho cũng không cho tiền.
"Tôi nói mãi, chồng tôi cũng đánh nhiều trận mà nó cũng không chừa. Được một hai ngày không thấy con có đồ lạ, tưởng yên, ai dè đâu vẫn hoàn đấy. Mà gia đình có thiếu thốn gì cho cam, nó lấy xong lại vứt đầy ngăn kéo chứ có dùng đâu", chị Xuân cho biết.
Theo tiến sĩ Bưởi, rối loạn hành vi này hay gặp ở lứa tuổi vị thành niên. Trẻ lấy cắp một đồ vật nào đó không phải vì thiếu thốn mà chỉ là nhìn thấy thích, nổi ham muốn chiếm đoạt cho bằng được. Khi lấy được, trẻ cảm thấy như mình đã đạt được thắng lợi, thấy thú vị. Nhưng có được rồi, trẻ lại bỏ đâu đấy hoặc cho người khác.
"Với những trẻ này, việc cha mẹ mắng mỏ, đánh đập cũng không có tác dụng. Vì thực tế, trẻ biết việc làm của mình là sai nhưng không thể kiềm chế được hành vi ăn cắp của mình. Trẻ thực hiện giống như nó là một bản năng. Đây không phải là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, mà là vấn đề về tâm lý", tiến sĩ Bưởi cho biết.
Theo tiến sĩ, hành vi ăn cắp thường bắt nguồn từ khi trẻ còn nhỏ, nếu được giáo dục, trị liệu đúng đắn trẻ có thể thay đổi. Nhưng nếu không có sự can thiệp, hành vi này sẽ tiếp tục và trở thành một thói quen, khi đó rất khó để trị liệu.
Tiến sĩ Bưởi khuyến cáo, ngay lần đầu phát hiện trẻ có hành vi ăn ắp, cha mẹ không nên nổi giận mà quát mắng, thậm chí đánh trẻ. Điều quan trọng là cần tìm hiểu lý do vì sao trẻ làm như thế và nhắc nhở con đó là hành vi sai trái. Cha mẹ cũng cần quan tâm đến con nhiều hơn, nếu hành vi này kéo dài liên tục trong 6 tháng dù trẻ đã được nhắc nhở nhiều thì cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.