Tự liên hệ rồi đi tới từng nhà hàng, khách sạn, tiệm bán đồ ăn nhanh khắp TP Hà Nội để xin thực phẩm còn nguyên vẹn về hình dáng và chất lượng, mang tặng cho bệnh nhân, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... Đó là hoạt động từ thiện mà các bạn trẻ (phần lớn đang là học sinh) thuộc nhóm Hanoi Food Rescue (HFR) thực hiện hơn một năm qua. Tiếng cười nơi ngõ vắng Một buổi chiều như bao ngày khác, "xóm chạy thận" nằm sâu trong ngõ 121, phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng), lại xôn xao tiếng nói cười của rất đông bệnh nhân và nhóm các bạn trẻ. Những hộp xốp đựng thức ăn lần lượt được trao tới tận tay của từng người bệnh. Đồ ăn phát một loáng đã hết. Mặc dù công việc này đã diễn ra nhiều lần, nhưng người được nhận vẫn xúc động, trong khi khuôn mặt người gửi trao cũng rạng ngời hạnh phúc. Ông Nguyễn Văn Tấn, ở huyện Thanh Oai, người có thâm niên đã 14 năm chạy thận hiện sống trong "xóm chạy thận" cho biết, gần một năm qua, cứ một tuần 5 buổi chiều, những bệnh nhân chạy thận nơi đây lại nhận được những phần đồ ăn do nhóm các cháu học sinh THPT này gửi tặng. Dù chỉ là những món được gom góp từ các cửa hàng nhưng đều là những đồ ăn còn nguyên vẹn và rất thơm ngon. Hiện, "xóm chạy thận" có khoảng 128 bệnh nhân, thuộc nhiều nhóm tuổi và đến từ khắp các tỉnh, thành phía Bắc. Trong số đó có những người bệnh nặng, hoặc tuổi cao, việc đi lại khó khăn, do vậy, nhóm các bạn trẻ thuộc HFR phải dành một số suất ăn mang tới tận phòng trọ trao cho những bệnh nhân này để đảm bảo tất cả mọi người bệnh ở đây đều ít nhiều được thụ hưởng thành quả sau một ngày đi "quyên góp" của nhóm. Được biết, chi phí chạy thận hàng tháng của mỗi bệnh nhân không dưới 3 triệu đồng. Do đó, tâm lý chung của những bệnh nhân nơi đây là "chi tiêu tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy". Điều này khiến những suất cơm, đồ ăn nhanh miễn phí của nhóm HFR trở nên có ý nghĩa hơn. Và những buổi chiều nơi xóm nhỏ này cũng vì thế mà có nhiều hơn những tiếng cười, giúp người bệnh vơi bớt cái đau và cả những nỗi lo. Nguyễn Hồng Nhung, học sinh lớp 11, trường Phổ thông chuyên Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), trưởng ban PR của HFR cho biết, không chỉ những bệnh nhân trong "xóm chạy thận" mà rất đông bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện K, bệnh viện Bạch Mai, khu làng chài Long Biên… cũng nhận được những suất ăn do nhóm HFR gửi tặng hàng tuần. Gian nan buổi ban đầu Ít người biết, HFR ra đời từ nền tảng của Cuộc thi Dash of Impact - Kiến tạo ảnh hưởng của Tổ chức Sinh viên Quốc tế (AIESEC) vào cuối năm 2012. Khi đó, nhận thấy số lượng thức ăn bị lãng phí trên các bàn ăn đang ở mức báo động, trong khi nhiều người thờ ơ với hành động lãng phí này của mình thì ngoài cuộc sống có rất nhiều mảnh đời khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, một nhóm học sinh các trường THPT trên địa bàn TP như: Hà Nội - Amsterdam, chuyên Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), Chu Văn An… đã tập hợp nhau với ý tưởng "giải cứu thức ăn". Mục tiêu chính của nhóm là đi gom góp những thực phẩm, đồ ăn còn lại tại các nhà hàng, khách sạn, tiệm đồ ăn nhanh… vẫn đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP rồi đi phân phát cho bệnh nhân, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Những vấn đề như hồ sơ xin tài trợ, input (nguồn cung cấp đồ ăn), output (những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ), nhân lực thực hiện… được đưa ra bàn bạc. Trong số này, việc tìm tài trợ cho HFR thực sự là bài toán khó. Khó, vì đây là tổ chức hoạt động liên quan tới lương thực đầu tiên tại Việt Nam, lại do những học sinh cấp THPT còn rất trẻ thực hiện nên mức độ tin tưởng của đối tác không cao. Nguồn lực để thực hiện cũng rất hạn chế, bởi học sinh cấp THPT có rất ít thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm và cũng khiến các thành viên HFR "đau đầu" nhất chính là tìm kiếm nguồn cung cấp thức ăn. "Một số nhà hàng, khách sạn không muốn cho đồ ăn, không phải họ tiếc, mà nguyên nhân chủ yếu là do sợ chất lượng đồ ăn khi mang ra ngoài cho - tặng nếu không may có vấn đề gì thì sẽ "mang tiếng", ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu đối với khách hàng. Thậm chí, một số cửa hàng, nhất là cửa hàng nhỏ, khi nghe điện thoại mới nghe giới thiệu tên gọi của nhóm, mục đích - lời đề nghị hỗ trợ, đã vội vàng "cúp" máy (!)" - Đỗ Anh Phương, học sinh lớp 11, trường Phổ thông Chuyên Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), thành viên Ban PR của HFR chia sẻ.
Dù vậy, với quyết tâm cao, tháng 6/2013, HFR chính thức ra đời, đi vào hoạt động với sự bảo trợ của REACH - một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và giúp đỡ việc làm cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, sau 3 tháng khẩn trương chuẩn bị, tháng 9/2013, những suất đồ ăn miễn phí đầu tiên đã được đưa tới tay những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn. Hơn cả một hành động tử tế Sau gần một năm rưỡi, từ 4 thành viên khởi xướng ban đầu, HFR hiện đã quy tụ được gần 60 thành viên chính thức cùng hàng trăm tình nguyện viên. Hầu hết trong số họ hiện đang là học sinh tại các trường THPT trên địa bàn TP. Từ khi hoạt động đến nay, HFR đã mang tới cho hàng ngàn người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện… những suất đồ ăn miễn phí đảm bảo chất lượng. Đồ ăn của HFR quyên góp được đều là thực phẩm trong ngày, vẫn giữ nguyên vẹn về hình thức, bao gồm cơm, bánh ngọt, rau trộn, đồ ăn nhanh các loại… Dù chỉ là đồ ăn được gom lại từ các nhà hàng, khách sạn, tiệm bán đồ ăn nhanh nhưng tất cả đều rất thơm ngon, đặc biệt là đều sạch sẽ, đảm bảo VSATTP. Anh Lê Văn Ninh - bếp trưởng Khách sạn De l'Opera, đơn vị "input" cho HFR trong gần một năm qua chia sẻ: "Nói một cách chính xác thì đây là những thực phẩm mà khách hàng không dùng hết trên bàn ăn. Tất cả các món đồ này đều là thức ăn còn nguyên vẹn và tuyệt đối đạt tiêu chuẩn về VSATTP. Hơn nữa, với lương tâm và trách nhiệm của mình với cộng đồng, uy tín và thương hiệu của đơn vị, khi cho đi, chúng tôi cũng phải nghĩ đến người nhận, làm sao để họ cảm nhận được sự tôn trọng và sẻ chia từ những tấm chân tình…".
Hiện, nguồn cung cấp đồ ăn thường xuyên hỗ trợ cho HFR đã lên tới gần 30 đơn vị, điển hình là các nhà hàng, khách sạn: Dân chủ, De l'Opera, Hilton, Handico, Sofitel Plaza… và một số hiệu bánh nhỏ khác. Thực phẩm khi đưa về đều được gói ghém cẩn thận vào những hộp xốp mới, đặt trong túi nilon để tránh bụi bặm khi vận chuyển. Điều thú vị là, do hầu hết các thành viên của nhóm vẫn đang là học sinh nên các bạn trẻ này khi đi liên hệ, đến lấy đồ và quá trình vận chuyển đồ ăn tới tặng cho các bệnh nhân, người nghèo đều di chuyển bằng xe buýt, dù điều này đôi khi khá bất tiện. Bên cạnh đó, dù đi làm từ thiện nhưng các thành viên HFR luôn tâm niệm: Không để ảnh hưởng tới việc học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh hoạt động thường xuyên, được tổ chức 5 lần/tuần là đi gom thức ăn để gửi tặng cho người nghèo, bệnh nhân, HFR hàng năm còn tổ chức chương trình lớn hơn mang tên "Tet Donation". Tết Giáp Ngọ 2014 là lần đầu tiên chương trình được tổ chức. Theo đó, HFR đã phối hợp với Tổ chức tình nguyện Vì hòa bình (VPV Club), tận dụng đồ ăn còn lại của các gia đình sau dịp Tết mang tới trao cho các em học sinh trường Tiểu học Vừ A Dính (xã Đông Quan, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái). Hiện, HFR đang lên kế hoạch để tiếp tục thực hiện "Tet Donation 2015". Ngoài ra, trong năm 2014, HFR cũng đã nhiều lần phối hợp với các khách sạn, tổ chức từ thiện tặng nhiều phần quà có ý nghĩa cho người nghèo, bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP… Chia sẻ về mục tiêu sau cùng của dự án "giải cứu thức ăn", trưởng nhóm HFR, học sinh lớp 11, trường THPT Hà Nội - Amsterdam Dương Minh Hằng cho biết: "Chúng em hy vọng những đồ ăn này có thể giúp đỡ phần nào cho các cô chú, các bác đang mang trọng bệnh, để cuộc sống của mọi người bớt khó khăn hơn. Đồng thời, thông qua chương trình thiện nguyện này, chúng em muốn đưa ra thông điệp để nâng cao nhận thức, mối quan tâm của cộng đồng xã hội về hành động tiết kiệm lương thực, thực phẩm hàng ngày…".
Kinhtedothi -
Thành viên HFR trao những suất đồ ăn miễn phí cho bệnh nhân “xóm chạy thận”. |
Các bạn trẻ nhóm HFR liên hệ xin đồ ăn tại khách sạn Dân chủ. |
Bà Đỗ Thị Luyện, 71 tuổi, hiện sống ở "xóm chạy thận", ngõ 121, phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: Hầu như chiều nào, mấy cháu học sinh cũng mang vào tận giường cho những hộp thực phẩm. Tôi ăn thấy thơm ngon lắm! Các cháu nó còn đi học mà đã biết thương người, sống có trách nhiệm như vậy, thật là đáng quý... |