Những người thợ tài hoa ở Vũ Lăng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng Vũ Lăng thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Nội) nổi tiếng với nghề sơn tạc tượng truyền thống có lịch sử hàng trăm năm. Ngày nay, nghề này đang mang lại thu nhập chính cho người dân nơi đây.

Nghề tạc tượng

Làng sơn, tạc tượng Vũ Lăng nằm ven Quốc lộ 21 cách trung tâm Hà Nội hơn 20km. Dọc đường làng, những đống gỗ lớn nhỏ xếp gọn gàng hai bên. Khắp làng, tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục, đẽo hòa vào nhau tạo thành một âm thanh rộn ràng. Ông Lê Đăng Tưởng - Trưởng thôn cho biết, nghề sơn tạc tượng xuất hiện ở Vũ Lăng từ rất lâu. Theo cuốn ngọc phả của làng thì những pho tượng 300 – 400 tuổi trong chùa Võ Lăng là do chính những người thợ của làng làm ra. Nghề được lưu giữ theo hình thức cha truyền con nối, nên người Vũ Lăng ngay từ khi còn nhỏ đã làm quen với những dụng cụ làm nghề như dùi đục, đục, chạm... Trong bộ đồ nghề chạm khắc của người thợ Vũ Lăng, riêng bộ đục đã có tới hơn 30 chiếc, mỗi chiếc lại có những kích cỡ và công dụng khác nhau. Chỉ với những chiếc dùi, đục thô sơ mà người thợ có thể “biến” những khúc gỗ vô hồn thành những Đức Ông phương phi đầy đặn, những vị Thánh Hiền từ bi hay những Chúa Ông dữ tợn.... Chính vì vậy người thợ Vũ Lăng còn được ví như người nghệ sĩ tạo hình.
Tạc tượng tại xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Tuấn Cử.
Tạc tượng tại xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Tuấn Cử.
Anh Lê Văn Hải năm nay mới 35 tuổi nhưng đã có gần 20 năm gắn bó với nghề chia sẻ, nghề mộc đến với mình rất tự nhiên. Từ nhỏ anh đã quanh quẩn phụ giúp ông và bố làm việc, dần dần “nghề ngấm vào người”. Để làm được một bức tượng bền, đẹp thì khâu quan trọng nhất là chọn gỗ. Loại gỗ được chọn để tạc tượng và các đồ thờ cúng thường là gỗ mít già, vì đây là loại gỗ có ưu điểm không bị mối mọt, không nứt nẻ, đặc biệt có mùi thơm. Sau khi chọn gỗ, người thợ phải “pha” gỗ rồi gắn kết các mảnh lại với nhau bằng đinh gỗ, sơn ta và mùn cưa, sau đó mới đục nét, tạo hình dáng cho bức tượng. Mỗi pho tượng có kích cỡ và đặc điểm riêng, đòi hỏi người thợ phải có những thao tác chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ngoài ra người thợ còn cần có sức khỏe, bởi có những pho tượng phải dụng công vài tháng ròng mới hoàn thành. Tượng sau khi tạo hình xong sẽ được đánh giấy ráp cho nhẵn bóng, sau đó sẽ phun sơn, cuối cùng là khâu dát vàng hoặc dát bạc.

Phát triển bền vững

Ông Tưởng cho biết thêm, toàn thôn Vũ Lăng hiện nay có hơn 400 hộ thì có tới hơn 300 hộ tham gia làm nghề. Nhờ có nghề truyền thống mà đời sống của người dân được nâng lên, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn với thu nhập 3 – 4 triệu đồng/tháng. Ngày nay, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, sản phẩm của làng làm ra cũng đa dạng hơn cả về mẫu mã lẫn chủng loại. Một số sản phẩm phổ biến như tượng, hoành phi, câu đối, chân hương, hạc gỗ… tất cả đều được nâng cao cả về mẫu mã cũng như chất lượng. Với sự tài hoa, khéo léo và uy tín trong nghề, thương hiệu đồ gỗ Vũ Lăng đã ngày một vang danh trên thị trường. Nhờ đó, nhiều người ở xa cũng tìm đến tận nơi đặt hàng như Nam Định, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh… thậm chí còn có cả khách hàng từ Thái Lan, Trung Quốc đến đặt mua và tất cả đều rất hài lòng về chất lượng của sản phẩm. “Mỗi pho tượng có giá dao động từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào kích thước to hay nhỏ, dát vàng hay dát bạc theo yêu cầu của khách” - ông Tưởng nói.

Phát triển là vậy nhưng cũng như nhiều làng nghề khác, hiện nay làng nghề Vũ Lăng đang phải đối diện với bài toán khá nan giải là vấn đề môi trường. Người dân chủ yếu phải tận dụng khoảng không gian sinh hoạt chung của cả gia đình làm nơi sản xuất. Chính vì vậy, môi trường sản xuất và sinh hoạt của người dân Vũ Lăng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mùi của hóa chất, bụi của mạt cưa, tiếng ồn… Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hòa Trần Văn Thể cho biết, để hạn chế ô nhiễm môi trường, xã thường xuyên tuyên truyền các hộ sản xuất an toàn, không phun sơn ngoài đường nơi có nhiều người qua lại. Từ đó, một số hộ đã chủ động xây dựng phòng riêng để phun sơn. Ngoài ra, xã đã có đề án xây dựng điểm quy hoạch làng nghề cách xa khu dân cư. Tuy nhiên do nguồn vốn đầu tư chưa đủ nên dự án này đang phải tạm dừng. Chính vì vậy mong muốn lớn nhất của chính quyền và người dân nơi đây là sớm có điểm quy hoạch để làng nghề có thể phát triển ổn định, bền vững và gắn với bảo vệ môi trường.