Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những nốt trầm của tình thầy - trò

Chi Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người xưa đã từng dạy rằng: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cùng là thầy).

Ngày nay, dưới áp lực của cơ chế thị trường, quan niệm và cách ứng xử về cách kính thầy cũng đã thay đổi, đôi khi thầy cô lại là nạn nhân của bạo lực học đường nhưng chưa được xã hội quan tâm đúng mức.
Xót xa cho nghề cao quý: Bấy lâu nay, mỗi sự vụ nổi lên trên mạng xã hội hay truyền thông về việc thầy bắt trò tự tát vào mặt đến vỡ quai hàm, cô bắt trò uống nước giẻ lau bảng…, những người làm cha làm mẹ lại sôi sục sự giận dữ với nền giáo dục. Phụ huynh nơm nớp lo bạo lực học đường với con trẻ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giáo viên cũng chính là nạn nhân của bạo lực học đường và chưa được người trong ngành lẫn xã hội quan tâm đúng mức.
Cách đây 2 năm, vụ việc một cô giáo tiểu học bị phụ huynh bắt quỳ tới 40 phút vì đã trách phạt con mình sai quy định, xảy ra tại trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), khiến nhiều người không khỏi xót xa. Những người làm nghề chèo lái con thuyền tri thức không khỏi đau lòng và cảm thấy bị xúc phạm. Xã hội nhận thấy nét đẹp của truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã bị xuống cấp tới mức báo động, hình ảnh người thầy vốn thiêng liêng, cao đẹp từ xa xưa đến nay bị làm xấu đi.

Giáo viên bây giờ đi dạy gặp rủi ro nhiều quá. Nhiều thầy cô chỉ ước ao mình không phải làm chủ nhiệm. Cảnh học trò có những lời nói, hành vi cư xử thiếu lễ phép, thiếu tôn trọng, nếu không muốn nói là vô lễ, hỗn hào xảy ra thường xuyên hơn. Có những học trò vô tư hồn nhiên gây chuyện, nhưng cũng có những học trò cố ý làm điều không hay. Tất cả cũng vì giáo viên sợ nếu trò sai, phạt trò sẽ bị phụ huynh xông vào trường kiện cô giáo vì động đến “cục vàng” của gia đình họ. Thế nên, bạo lực mà giáo viên không chỉ là bạo lực thể xác mà là bạo lực đến từ tâm lý và thái độ bênh con thái quá của nhiều phụ huynh.
Đáng tiếc là những “chuyện thường ngày ở huyện” ấy trong nhà trường lại chưa được người trong ngành lẫn xã hội quan tâm đúng mức, để chung tay cải thiện tình hình.Giữ đúng đạo làm thầy: Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Người dân Việt Nam dù ở giai đoạn nào của đất nước, vẫn coi trọng sự học, neo vào con chữ để cho con em được học hành thành người, thành tài, thành người có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, ngày nay, mặt trái của cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ giữa thầy và trò. Mối quan hệ giữa thầy và trò quá suồng sã làm mất đi tính mô phạm trong giáo dục. Và những câu chuyện đau lòng hơn đã và đang diễn ra trong xã hội ngày nay như: Thầy đánh trò, trò đánh thầy, phụ huynh đánh, chửi rủa giáo viên khi họ đứng ra bênh vực con em mình… Điều đó đã như “con sâu làm rầu nồi canh” khiến cho xã hội không khỏi trăn trở về nền giáo dục, một lĩnh vực đặc biệt của xã hội là dạy người, đào tạo người.
Thiết nghĩ, ở bất kỳ giai đoạn nào của sự phát triển xã hội, hình ảnh người thầy và sự học cũng luôn và cần được coi trọng. Trong đó, mối quan hệ thầy và trò luôn được duy trì trong quá trình giáo dục.
Để giữ đúng tính nhân văn trong quan hệ giữa thầy và trò, các nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo lý “Tôn sư trọng đạo” thông qua các ngày lễ lớn, đặc biệt là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm để học trò tri ân thầy cô.
Tích cực sinh hoạt ngoại khóa về giáo dục, tổ chức hát các ca khúc truyền thống về mái trường, thầy cô giáo. Các trường sư phạm cần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên để cung cấp cho xã hội những người thầy tốt về đạo đức, giỏi về chuyên môn.
Hằng năm, các địa phương cần tổ chức tốt công tác bồi dưỡng giáo viên để mỗi giáo viên nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Các nhà trường cần làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục. Khi có sự việc xảy ra trong mối quan hệ giữa thầy và trò, các nhà trường cần xử lý triệt để và rút kinh nghiệm để tránh xảy ra những sự việc tương tự.
Có thể nói, dù ở bất kỳ giai đoạn nào của xã hội thì đối với người thầy phải luôn giữ đúng đạo làm thầy để trở thành những người thầy mẫu mực, được học trò và Nhân dân kính trọng. Còn học trò phải luôn giữ đúng đạo làm trò để trở thành những con ngoan, trò giỏi, trở thành những công dân có ích cho xã hội.