Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những "Ông trùm" công nghệ chịu sự kiểm soát của bộ luật mới

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiều năm, Apple, Google, Meta và nhiều công ty khác hoạt động tương đối tự do. Tuy nhiên, những bộ luật và quy định mới sẽ khiến họ phải đáp ứng các yêu cầu thay đổi đối với sản phẩm và dịch vụ. 

Google sẽ thay đổi cách hiển thị một số kết quả tìm kiếm. Microsoft sẽ không còn yêu cầu khách hàng Windows sử dụng công cụ tìm kiếm internet Bing là mặc định. Apple sẽ lần đầu tiên cho phép người dùng iPhone và iPad truy cập vào các cửa hàng ứng dụng và hệ thống thanh toán của đối thủ.

Các gã khổng lồ công nghệ đã có động thái chuẩn bị trước hạn chót vào thứ Tư để tuân thủ luật mới của Liên minh Châu Âu nhằm tăng cường cạnh tranh trong nền kinh tế kỹ thuật số. Luật này, được gọi là Đạo luật thị trường kỹ thuật số, yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải cải tổ cách hoạt động của một số sản phẩm để các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn có thể dễ tiếp cận hơn với khách hàng.

Những thay đổi trên là dễ thấy nhất mà Microsoft, Apple, Google, Meta và các công ty khác đang thực hiện để đáp ứng những làn sóng các quy định và luật pháp mới toàn cầu. Tại Mỹ, một số công ty công nghệ cho biết họ sẽ từ bỏ các hành vi đang là chủ đề của các cuộc điều tra chống độc quyền thuộc liên bang. Ví dụ như Apple đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dùng Android tương tác với sản phẩm iMessage của mình, một chủ đề mà Bộ Tư pháp đang điều tra.

“Đây là một bước ngoặt,” Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách cạnh tranh của Ủy ban Châu Âu tại Brussels, người đã dành phần lớn thập kỷ qua để chiến đấu với các gã khổng lồ công nghệ, cho biết.

Trong nhiều thập kỷ, Apple, Amazon, Google, Microsoft và Meta đã chịu rất ít quy tắc và giới hạn. Những công ty công nghệ lớn này khi trở nên thành công và phát triển, họ có ảnh hưởng và tác động quá lớn. Tại Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc và Australia, một làn sóng yêu cầu đáp ứng loạt quy định, lập pháp và các vụ kiện pháp lý đã nổ ra chống lại những công ty công nghệ lớn nhất.

Các công ty đã buộc phải đổi dịch vụ cung cấp, bao gồm những thiết bị và tính năng của các dịch vụ trên nền tảng truyền thông xã hội của họ, điều này đặc biệt đáng chú ý đối với người dùng ở châu Âu.

Apple trước đây từng cung cấp App Store của mình như một thị trường độc quyền trên toàn thế giới, nhưng giờ đây, họ có các quy tắc khác nhau cho những nhà phát triển App Store ở Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ do luật mới và phán quyết của tòa án. Công ty đã loại bỏ thiết kế độc quyền của bộ sạc iPhone do một luật khác của EU, nghĩa là iPhone trong tương lai sẽ có bộ sạc hoạt động với các thiết bị không phải của Apple.

Vào thứ Hai, Apple đã bị các cơ quan quản lý EU phạt 1,8 tỷ euro, tương đương 1,95 tỷ USD, vì cản trở sự cạnh tranh giữa các đối thủ trong thị trường phát nhạc trực tuyến.

Những thay đổi này có nghĩa là trải nghiệm công nghệ của mọi người sẽ ngày càng khác nhau tùy thuộc vào nơi họ sống. Ở châu Âu, người dùng Instagram, TikTok và Snapchat dưới 18 tuổi không còn thấy quảng cáo dựa trên dữ liệu cá nhân của họ - là thành quả của Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số  ra mắt vào năm 2022. 

"Ngành công nghệ về cơ bản đang trưởng thành và trở nên giống như ngành ngân hàng, sản xuất và chăm sóc sức khỏe, với các công ty điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ của họ theo luật pháp và quy định địa phương", Greg Taylor, Giáo sư Đại học Oxford chuyên về cạnh tranh trong thị trường công nghệ, cho biết.

“Điều này đại diện cho một sự thay đổi lớn trong cách chúng tôi điều chỉnh lĩnh vực công nghệ,” ông nói. “Hiện EU là bên đầu tiên đi tiên phong, các khu vực khác trên thế giới cũng đang dần làm theo.”