Chia sẻ về lý do tổ chức cuộc thi “Trang điểm không gương”, diễn ra vào chiều 8/3, Chủ tịch Hội người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành cho hay xuất phát từ tâm lý muốn được làm đẹp của phụ nữ khiếm thị để tăng thêm sự tự tin cho bản thân.
Trước đây nói đến trang điểm, đa phần chị em trong hội còn ngần ngại, nghĩ rằng người khiếm thị cần gì làm đẹp bởi cũng không nhìn được. Do đó, cuối năm 2021, Hội người mù quận Thanh Xuân đã tổ chức lớp học trang điểm dành cho phụ nữ khiếm thị
Kết thúc khóa học, hầu hết các hội viên biết trang điểm cá nhân cơ bản, có thể làm đẹp cho bản thân mỗi khi đi làm, đi chơi hoặc tham gia trình diễn văn nghệ. Việc tổ chức cuộc thi "Trang điểm không gương" vào ngày 8/3 nhằm cổ vũ người khiếm thị thể hiện khả năng làm đẹp, tăng sự tự tin và lan tỏa tinh thần đó tới những hội viên khác.
Tham gia cuộc thi, chị Phạm Ngọc Dung (39 tuổi) nói, ngoài thông điệp "Tự tin để hòa nhập với cộng đồng", chị còn muốn truyền đạt kinh nghiệm làm đẹp tới người cùng cảnh ngộ. chị mong muốn trong tương lai sẽ mở lớp dạy trang điểm để mọi người cùng nhau học tập, chia sẻ kỹ năng.
Thời gian đầu mới học trang điểm, chị Phạm Ngọc Dung còn nhiều lúng túng, không thể nhận biết từng loại kem nền, phấn mắt, chì kẻ hay thỏi son. Điều này khiến chị phải học cách nhận diện đồ trang điểm thông qua sờ, nắn hình dáng của từng sản phẩm. Tiếp đó mới tìm hiểu sâu cách đánh nền, tô má hồng, kẻ lông mày thông qua cảm nhận của giác quan…
Theo chị Phạm Ngọc Dung, trang điểm không gương không khó. Bất kỳ người phụ nữ nào cũng cần được làm đẹp, và muốn được đẹp hơn trong mắt người khác. Ngày mới tập, chị phải nhờ bạn bè, người nhà chỉnh sửa để dần làm quen, sau tự điều chỉnh theo kinh nghiệm
Từ ngày biết trang điểm, chị Phạm Ngọc Dung đã tự tin hơn mỗi khi bước ra ngoài. Được mọi người khen và động viên, chị cảm thấy cuộc sống thêm phần ý nghĩa. Chỉ cần chút kiên trì, phụ nữ khiếm thị có thể khiến gương mặt trở nên xinh đẹp.
Là hội viên tài năng của Hội Người mù quận Thanh Xuân, chị Phạm Ngọc Dung còn từng giành được huy chương bạc bộ môn điền kinh nội dung chạy 200m tại hội thi thể thao dành cho người khuyết tật tổ chức tại TP Hồ Chí Minh; đồng thời là một vũ công giành nhiều Huy chương Vàng trong các cuộc thi dành cho người khiếm thị Thủ đô. Cách đây hơn 1 năm, Phạm Ngọc Dung còn dành được danh hiệu Á khôi 1 cuộc thi “Tài sắc Thanh Xuân”, do Hội Người mù quận Thanh Xuân phối hợp với Hội LHPN quận Thanh Xuân tổ chức.
Tham gia cuộc thi “Trang điểm không gương”, các thí sinh có 30 phút để trang điểm theo chủ đề tự chọn, phù hợp với kiểu tóc, trang phục; đồng thời, thuyết trình về các bước trang điểm để tạo nên một khuôn mặt xinh đẹp, thấy được sự tự tin của những người phụ nữ khiếm thị. Các giám khảo cuộc thi đã đánh giá cao sự tự tin, chuyên nghiệp và chỉn chu của các thí sinh khi trang điểm và thuyết trình.
Đánh giá cao việc tổ chức cuộc thi “Trang điểm không gương” do Hội Người mù quận Thanh Xuân phối hợp với Hội LHPN quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa nhấn mạnh, đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và những phẩm chất của người phụ nữ hiện đại “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Cuộc thi đã tạo ra sân chơi bổ ích để phụ nữ khiếm thị thể hiện được sự tự tin của bản thân, tình yêu với cái đẹp và cuộc sống, tự tin hòa nhập với cộng đồng, xã hội.