Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những quyết sách vì dân từ nghị trường Quốc hội

Hải Lý - Trần Oanh - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tinh thần: chính sách xã hội là chính sách vì con người, lấy con người làm trung tâm, coi đầu tư các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển, nên hơn nửa nhiệm kỳ qua, dù khó khăn Quốc hội đã có nhiều quyết sách an sinh xã hội (ASXH) quan trọng.

Quan điểm “dân là gốc” và “dân thụ hưởng” đã được thể chế hóa thành các chính sách ASXH, tạo nên những thành tựu to lớn, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân và sự ổn định chính trị - xã hội, mà điển hình là công tác giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, ưu đãi người có công, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Bởi vậy, Việt Nam được Liên Hợp quốc công nhận là một trong các quốc gia đi đầu trong thực hiện một số mục tiêu Thiên niên kỷ.

Bài 1: Hiện thực hóa giấc mơ “sống được bằng lương”

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

Cũng tại kỳ họp này, rất nhiều quyết sách quan trọng được thông qua, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến đời sống ASXH, đặc biệt là cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Đây là tin vui với hàng triệu người dân trên cả nước.

Hàng chục triệu người vỡ òa niềm vui

4 tháng qua, câu chuyện về tăng lương luôn là chủ đề được đề cập rôm rả trong các cơ quan, đoàn thể, khu dân cư và cả trên mạng xã hội. Hầu hết người lao động đều vui mừng khi được tăng lương, nhất là khi mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp BHXH có mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Với 22 năm đứng trên bục giảng, từ 1/7 đến nay, tiền lương của chị Đoàn Thị Thoa - giáo viên Trường Tiểu học Thuận Chuân, Thị trấn Thuận Châu, Sơn La tăng thêm hơn 3 triệu đồng/tháng so với thời điểm trước ngày 1/7/2024. Chị Thoa bày tỏ niềm vui, phấn khởi khi mong ước “sống được bằng lương" đang từng bước được hiện thực hóa. Đây là động lực để chị và đội ngũ giáo viên gắn bó với nghề, bởi “có thực mới vực được đạo”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Đông
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Đông

Còn chị Trần Hà An, giáo viên mầm non ở Hương Sơn, Hà Tĩnh chia sẻ: “Cuộc sống khó khăn, giá cả leo thang, lương không đủ trang trải cuộc sống, chúng tôi ai nấy đều tâm tư, một số đồng nghiệp của tôi đã phải bỏ nghề sang làm việc khác. Khi dự thảo về cải cách tiền lương được đưa ra, tôi và các đồng nghiệp đã bàn luận cũng như kỳ vọng rất nhiều.

Từ ngày lương cơ sở tăng lên khiến chúng tôi vui mừng và hạnh phúc vô cùng. Theo lương cơ sở mới, lương của tôi tăng 1.700.000 đồng/tháng so với lương cũ”. Lương mới đã giúp cuộc sống của gia đình chị bớt chật vật hơn trong chi tiêu khi phải nuôi hai đứa con ăn học.

“Cảm ơn Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm đến đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng, giờ đây chúng tôi đã bớt đi sự thấp thỏm về đồng lương và yên tâm giảng dạy” - chị Hà An bày tỏ.

Có thể nói, với chính sách cải cách tiền lương mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đội ngũ nhà giáo có thêm động lực vượt qua khó khăn, cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo động lực thu hút nguồn nhân lực trẻ, gắn bó cống hiến lâu dài với nghề.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết 142/2024/QH15 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP Quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Kể từ ngày 1/7/2024 mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng, tăng 30% so với thời điểm trước đó (1.800.000 đồng), đã đem lại niềm vui cho hàng chục triệu công chức, viên chức, người lao động khu vực làm công hưởng lương.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang lên 30% là mức tăng cao nhất từ trước đến nay; góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách gắn với lương cơ sở. Đồng thời, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội; đóng góp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ, việc tăng lương lần này thể hiện sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người hưởng lương cũng như các đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác gắn với lương cơ sở.

Rưng rưng xúc động

Không chỉ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được tăng lương cơ sở, mà thực hiện chính sách cải cách tiền lương, ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng tăng thêm 15% so với trước đó.

Chính sách này áp dụng ở phạm vi rộng lớn, gồm hơn 3,3 triệu người được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Nhiều người về hưu rất đỗi vui mừng khi đón nhận thông tin này, bởi khi về nghỉ hưu, đa số họ đều trông vào nguồn tiền lương hưu để sống. Khi được tăng lương hưu 15% thì họ có thêm đồng tiền mua thức ăn hàng ngày, bồi bổ sức khỏe và để ra một khoản phòng khi ốm đau… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Được tăng lương hưu, người cao tuổi yên tâm với cuộc sống tuổi già, bảo đảm an sinh, không phải trông nhờ nhiều vào con, cháu.

Đến nay, sau 4 tháng được tăng lương hưu 15%, ông Nguyễn Minh Toan (80 tuổi, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, TP Hà Nội) vẫn còn phấn khởi khi chia sẻ về quyết sách rất hợp lòng dân của Quốc hội và thực hiện nhanh chóng, kịp thời của Chính phủ.

“Trước đây tôi có 10 năm tham gia chiến trường Tây Nguyên, sau đó chuyển ngành làm công nhân, rồi về hưu mất sức khi mới 40 tuổi, với tiền lương hưu hơn 80 đồng/tháng. Số tiền lương khiêm tốn, gia đình tôi tằn tiện chi tiêu cộng với làm thêm những việc khác mới đủ trang trải cuộc sống.

 

Sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, làm việc tại nhiều địa phương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn luôn nhấn mạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện tốt chính sách về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị các địa phương bảo đảm chi trả kịp thời để người có công, gia đình chính sách được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước.

Sau nhiều lần Quốc hội quyết nghị điều chỉnh lương hưu, đến nay, tiền lương hưu của tôi đã tăng thành 3.500.000 đồng/tháng. Cộng với tiền trợ cấp người có công (đối tượng chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động 60%) là 2.500.000 đồng, mỗi tháng tôi được lĩnh tổng cộng 6.000.000 đồng, đủ tiền chi tiêu ăn uống hàng ngày và mua thêm thuốc chữa bệnh thấp khớp, tim mạch, cao huyết áp. Tôi rất cảm ơn Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến đời sống người về hưu như chúng tôi”.

Cùng với quyết sách điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp BHXH, Quốc hội đã quyết nghị tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), từ ngày 1/7/2024. Điều này đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của Quốc hội đến những người có công đã anh dũng chiến đấu vì nền độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.

Quốc hội thực hiện theo đúng phương châm trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công được hưởng trợ cấp cao hơn bình thường. Do đó, mức trợ cấp người có công được tăng cao hơn một bậc so với mức cải cách tiền lương, thể hiện truyền thống Đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, từ ngày 1/7/2024, những người đang hưởng chính sách này được tăng từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng, tùy theo từng đối tượng.

Ông Nguyễn Minh Thắng (88 tuổi, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) là thương binh hạng ¾, tỷ lệ tổn thương cơ thể 45%, xúc động cho hay, ông từng trải qua 12 năm tham gia chiến trường và phục vụ trong quân đội, sau đó chuyển ra ngoài làm việc 4 năm. Do những năm tháng chiến đấu bị thương, sức khỏe giảm sút không thể lao động nên ông buộc lòng xin nghỉ việc, được cơ quan trợ cấp 3 tháng lương.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao lương hưu đến cụ Lương Thị Hai (91 tuổi, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội) tại nhà riêng do sức khỏe yếu. Ảnh: BHXHVN
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao lương hưu đến cụ Lương Thị Hai (91 tuổi, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội) tại nhà riêng do sức khỏe yếu. Ảnh: BHXHVN

Do không có tiền lương hưu nên các khoản chi tiêu từ ăn uống, mua thêm thuốc chữa bệnh đau khớp gối, tim mạch, gút, huyết áp, ông đều trông vào tiền trợ cấp ưu đãi người có công và các con hỗ trợ thêm.

“Theo Nghị quyết 77/2024/NĐ-CP của Chính phủ, mỗi tháng tôi được lĩnh 4.024.000 đồng, như vậy tăng thêm 1.059.000 đồng so với trước đây nên có thêm tiền chi tiêu. Lần này Quốc hội đã quyết nghị mức tăng trợ cấp người có công với tỷ lệ cao nhất trong những năm qua đã thể hiện Quốc hội quan tâm chăm lo đến những người đã tham gia kháng chiến. Cũng nhờ những quyết sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội mà đời sống người dân ngày một nâng lên”- ông Nguyễn Minh Thắng chia sẻ.

Bảo đảm an sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống

Nhìn lại 20 năm qua, nước ta đã có 14 lần tăng lương cơ sở, từ mức 290.000 đồng (áp dụng vào thời điểm 1/10/2004) lên 2.340.000 đồng (áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến nay). Việc điều chỉnh tăng lương cơ sở theo lộ trình hàng năm là nỗ lực của Đảng và Nhà nước nhằm đạt mục tiêu lương sẽ là thu nhập chính, bảo đảm đời sống của người hưởng lương.

14 lần tăng lương mang tới nhiều kỳ vọng không chỉ với những người làm công ăn lương trong khu vực công, mà còn mang niềm vui tới hàng chục triệu người đang hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở.

Theo Bộ Nội vụ, tổng hợp sơ bộ, việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp tác động lên khoảng 18 triệu người hưởng BHXH; khoảng 50 triệu người do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; khoảng 16 triệu học sinh, sinh viên và 30 triệu người liên quan chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh...

Tăng lương cho toàn bộ những người hưởng lương và tăng mức trợ cấp tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng, tạo hiệu ứng tốt, bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở, tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội.

Qua đó, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương, các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở. Việc tăng lương cũng tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp.

Việc thực hiện các nội dung của cải cách chính sách tiền lương và tăng mức lương cơ sở 30% cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, GDP bình quân giai đoạn 2024 - 2026 sẽ tăng khoảng 0,21% và đạt gần 6,9%.

Ngoài tăng lương cơ sở, việc bổ sung quỹ tiền thưởng (bằng 10% quỹ lương cơ bản) của khu vực công tạo nguồn để người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thêm cơ chế, chính sách kịp thời khen thưởng, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đóng góp trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Nhằm bảo đảm nguồn dự phòng cho chi trả lương, chính sách ASXH, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 2/9/2024 về điều hành dự toán ngân sách Nhà nước. Theo đó, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ dự toán ngân sách năm 2024 theo kết luận của T.Ư và các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nỗ lực thực hiện các giải pháp, phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao, thu ngân sách Nhà nước năm 2025 cao hơn khoảng 5% so với ước thực hiện năm 2024 để bảo đảm nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán, tăng chi tạo nguồn cải cách tiền lương và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh.

Đối với năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để dành nguồn giảm bội chi ngân sách Nhà nước hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của từng bộ, cơ quan, địa phương hoặc bổ sung cho chi đầu tư phát triển. Tập trung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương, các chính sách, chế độ ASXH, xóa đói giảm nghèo.

 

Báo cáo “Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành gần 700.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn lực để tăng mức lương cơ sở lên 30% cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đồng thời điều chỉnh lương hưu, BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 với mức cao nhất từ trước đến nay; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động trong DN 6% trong năm 2024.

 

(Còn nữa)