KTĐT - Mở rộng cửa để không khí lạnh tràn vào, tạo sự thông thoáng trong căn hộ và hạn chế vi rút. Vì vi rút rất sợ nhiệt độ thấp và khó tồn tại trong không khí lạnh.
Cảm lạnh từ lâu đã không còn là căn bệnh nguy hiểm, vì vậy nhiều người thường tìm cách tự điều trị. Tuy nhiên, không phải ai cũng có phương pháp điều trị đúng.
1. Đóng chặt cửa sổ khi bị cảm để giữ ấm cơ thể
Mở rộng cửa để không khí lạnh tràn vào, tạo sự thông thoáng trong căn hộ và hạn chế vi rút. Vì vi rút rất sợ nhiệt độ thấp và khó tồn tại trong không khí lạnh.
2. Thuốc ho cũng cần chỉ định của bác sĩ
Nếu tự điều trị, chỉ nên dùng thuốc long đờm. Còn thuốc chống ho chỉ dùng trong các trường hợp bị ho khan gây kiệt sức, mất ngủ và cần chỉ định của bác sĩ. Tùy tiện kết hợp thuốc long đờm và thuốc chống ho sẽ vô cùng nguy hiểm, đờm vẫn bị tụ lại trong phế quản. Đồng thời, sự tương tác giữa các thuốc có thể gây nguy hại cho sức khỏe.
3. Áp dụng các bài thuốc dân gian
Chúng ta thường làm theo các bài thuốc dân gian như nhỏ nước hành tây vào mũi để trị sổ mũi nhưng như thế có thể gây bỏng niêm mạc mũi. Các chuyên gia khuyến cáo không nên thử nghiệm các bài thuốc như vậy mà nên dùng thuốc sổ mũi. Còn các thuốc co mạch giúp mũi dễ thở cần phải sử dụng thận trọng và trong thời gian ngắn theo đúng hướng dẫn, nếu không có thể bị tác dụng phụ.
4. Uống thuốc kháng sinh
Chúng ta còn uống hàng loạt thuốc kháng sinh khi bị cảm lạnh. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh chỉ nên sử dụng theo chỉ định của bác sỹ khi bị nhiễm khuẩn. Sử dụng kháng sinh vô tội vạ chỉ khiến cơ thể bị suy yếu và giảm sức đề kháng. Ngoài ra, chúng còn phá hủy cả các vi khuẩn trong ruột có ích cho hệ miễn dịch.
5. Không tắm vì sợ ốm thêm
Khi cảm lạnh, chúng ta thường không tắm và tránh đụng đến nước vì sợ bị lạnh. Tuy nhiên, nếu chất thải do vi rút tạo ra không bị loại bỏ thì cơ thể khó bình phục nhanh. Tắm rửa khi bị cảm lạnh là việc làm cần thiết. Chỉ có điều phải tiến hành một cách cẩn thận, tránh bị lạnh đột ngột khi rời phòng tắm.