Cho con chơi những trò “khó nhằn”
Nếu để con chơi những trò quá khó so với khả năng của trẻ và 10 lần chơi thì cả chục lần thất bại thì trẻ sẽ có cảm giác rất tồi tệ. Chẳng cần ai phải nhận xét trẻ cũng tự cảm thấy mình sao mà dốt nát quá. Nếu trong cuộc sống bọn trẻ rất ít khi có được cảm giác chiến thắng thì lâu dần chúng có thể biến thành ngốc nghếch thật sự.
Dạy kiến thức cho con quá sớm
Nhiều phụ huynh cứ muốn con mình phải “hơn người” nên đã dạy con đọc viết, tính toán từ khi còn học mẫu giáo hay nhồi cho con ở bậc tiểu học những kiến thức rất… trên trời mà con chỉ có thể lặp lại như một con vẹt chứ thực chất không thể hiểu được. Điều này không những không thúc đẩy sự phát triển trí tuệ của trẻ mà trái lại gây áp lực quá lớn cho trẻ, khiến chúng mất hứng học tập và vô tình làm tổn thương đến sự tự tin của trẻ.
Ảnh minh họa.
|
Hay ám thị tiêu cực
Truyện kể rằng: ngày xưa có một nàng công chúa xinh đẹp từ nhỏ đã bị mụ phù thuỷ nhốt trong một toà tháp cao. Hàng ngày cô không được tiếp xúc với bất kì ai ngoài mụ phù thuỷ. Và ngày nào mụ ta cũng nói với cô: “Mày xấu lắm! Ai thấy mày cũng ghét!”. Công chúa tin lời mụ và sợ người khác cười nhạo mình nên chẳng dám ra ngoài. Một ngày kia có một hoàng tử tình cờ nhìn thấy công chúa trên toà tháp và đã tìm cách giải cứu cho cô. Sau đó, hoàng tử nói với công chúa rằng nàng rất xinh đẹp thì công chúa mới biết hóa ra mình không hề xấu xí.
Trong thực tế có nhiều ông bố bà mẹ đã vô tình đóng vai phù thuỷ như thế. “Con dốt lắm”, “mày đần lắm” là câu nói cửa miệng của họ. Ngay cả khi câu nói này chỉ là “mắng yêu” thôi thì thông tin mà trẻ tiếp nhận được vẫn là: mình dốt nát, đần độn. Nhiều người muốn “kích” con phấn đấu nên đã đưa ra những so sánh kiểu như: “Bạn An thông minh hơn con nhiều” hay: “Con gái cô Lan kém tuổi con mà có thể nói chuyện bằng tiếng Anh với người nước ngoài rồi đấy”. Cũng có khi vì muốn tỏ ra khiêm tốn với người ngoài, phụ huynh đã than thở kiểu như: “Thằng cu nhà tôi chán lắm, chậm hiểu, kém thông minh”. Quanh năm suốt tháng bị dìm trong cả đống những ám thị tiêu cực như vậy thử hỏi làm sao trẻ có thể không tin mình đần độn, dốt nát?
Tin rằng mình dốt nát, kém thông minh, trẻ sẽ nảy sinh cảm giác tự ti và nghi ngờ khả năng của mình, trong tiềm thức của chúng vì thế mà hình thành tư tưởng bảo thủ, từ chối dung nạp thông tin mới vào bộ nhớ để bảo vệ quan điểm của mình. Kết cục là trẻ dần trở nên dốt nát thật sự, học gì cũng khó khăn.
3 cách giúp con thông minh
Cho con thể nghiệm cảm giác thành công,vì khi đạt được thành công nào đó, trẻ cảm thấy vô cùng sung sướng, và não bộ sẽ phóng thích ra chất endorphins khiến trẻ muốn lặp lại hoặc tiếp tục trải nghiệm thành công. Bởi vậy, đứng từ góc độ này có thể nói: Thành công là mẹ của thành công.
Trong mọi hoạt động của trẻ, từ chơi trò chơi, làm thủ công, tham gia thi đấu, hay làm việc nhà, bạn hãy hướng dẫn rồi động viên con mạnh dạn làm thử để con có thể nếm trải niềm vui thắng lợi. Ví dụ, khi trẻ vào bếp với mong muốn giúp mẹ rửa bát, thay vì sợ trẻ làm đổ vỡ mà từ chối, hãy lấy cho trẻ một cái ghế với độ cao phù hợp, đeo tạp dề, găng tay rồi hướng dẫn trẻ cách làm như thế nào cho hiệu quả. Mỗi khi trẻ rửa xong một cái bát, đừng quên khen ngợi để trẻ vui thích và tin vào khả năng của mình.
Đối với trẻ nhỏ, thăm dò khám phá đều là cơ hội học tập. Vậy hãy tìm cho trẻ một cây táo thấp để trẻ có thể trèo lên giơ tay và hái được quả. Một lần thể nghiệm thành công như thế sẽ khiến trẻ tự tin hơn rất nhiều và nó sẽ là động lực để thúc đẩy trẻ tiến đến những mục tiêu cao hơn.
Cần có niềm hứng khởi
Làm bất cứ việc gì nếu chúng ta không có hứng thì khó mà thành công, và con trẻ cũng vậy. Một nhà giáo dục nổi tiếng của Liên Xô trước đây trong giờ dạy toán đã bày ra trò “quả cầu phát biểu” như sau: ông vừa tung quả cầu lên và nói: “2+3=…” và học sinh nào bắt được quả cầu sẽ phải nói ra đáp án. Cứ như vậy các con học rất sôi nổi vui vẻ. Nhiều giáo viên dự giờ đã cho rằng không cần thiết phải như vậy, chỉ cần gọi trực tiếp học sinh trả lời câu hỏi là xong. Giáo sư liền nói: “Không có quả cầu đương nhiên học sinh vẫn có thể trả lời được nhưng chúng sẽ không hứng thú bằng việc có quả cầu”.
Hứng thú chính là người thầy tốt nhất, nếu bạn muốn con cái mình ngày càng thông minh ngày càng yêu thích học tập vậy thì mỗi ngày hãy tìm cách nâng cao hứng thú học tập cho con.
Thất bại cũng chẳng sao
Trong mọi hoạt động đều có thành bại thắng thua nhưng làm thế nào để đánh giá đúng trẻ mới là một nghệ thuật. Trẻ luôn tin vào sự đánh giá của người lớn và phần lớn là dựa vào thái độ của người lớn để dẫn đến nhận thức của mình. Bởi vậy, khi trẻ thất bại bố mẹ không nên có thái độ thương hại, thất vọng trước mặt trẻ, cũng đừng trách mắng trẻ tệ hại mà nên để trẻ hiểu rằng thất bại hay sai lầm là không sao cả mọi người ai cũng có thể gặp phải, người thông minh dũng cảm sẽ tiếp tục nỗ lực rèn luyện phấn đấu để có được thành công khác.