Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những sự kiện khoa học công nghệ nổi bật nhất tuần

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lời cảnh báo của các chuyên gia an ninh mạng về nguy cơ tin tặc tình báo đối với Việt Nam là điểm nhấn của lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) trong tuần từ 27/3 - 3/4.

Việt Nam đang là mục tiêu hàng đầu của tin tặc tình báo

Đây là lời cảnh báo được đưa ra bởi đại tá Nguyễn Văn Thỉnh - Phó Cục trưởng, Cục An ninh mạng (A68), Bộ Công an tại Hội thảo - Triển lãm quốc gia về an ninh bảo mật (Security World) 2016 do Tổng cục An ninh (Bộ Công an) vừa tổ chức.

Theo đó, Việt Nam hiện đang là mục tiêu hàng đầu của các nhóm tin tặc chuyên ngắm vào các dữ liệu có tính chất tình báo như kinh tế, chính trị, quân sự…
Đại diện Bộ Công an đưa ra nhiều cảnh báo về an toàn thông tin trên môi trường mạng tại Security World 2016
Đại diện Bộ Công an đưa ra nhiều cảnh báo về an toàn thông tin trên môi trường mạng tại Security World 2016
Lãnh đạo A68 cho biết, trong thời gian qua, cơ quan an ninh cùng các chuyên gia bảo mật đã phát hiện ra hơn 100 loại mã độc chuyên ngắm vào các cơ quan, tổ chức Nhà nước cũng như các tập đoàn kinh tế lớn. Đặc điểm chung của các loại mã độc này là rất khó bị phát hiện bởi các phần mềm diệt virus, chính vì vậy khả năng lây nhiễm vào máy tính người dùng trong các cơ quan, tổ chức trên là khá dễ dàng.

Không chỉ đánh cắp các tài liệu “mật” dạng trên, tin tặc còn sử dụng chính những văn bản này để làm “mồi câu” nhằm phát tán tiếp mã độc hoặc thậm chí là tuyên truyền nội dung phản động đến người dùng phổ thông cũng như viên chức trong các cơ quan trọng yếu khác.

10 năm trở lại đây, Việt Nam đang là mục tiêu thường xuyên của APT30, nhóm tin tặc chuyên ngắm vào các dữ liệu chính trị, kinh tế, quân sự của nhiều nước tại khu vực châu Á, ông Thỉnh nêu ví dụ. Nhóm này đã sử dụng tới 200 loại mã độc khác nhau nhằm tấn công vào hệ thống máy tính của Chính phủ, thậm chí các mạng máy tình nội bộ cách ly với internet cũng được nhóm này ngắm tới.

Thuê bao MobiFone không thể gọi điện, kết nối 3G

Sáng 1/4 vừa qua, nhiều người dùng mạng MobiFone đã phản ánh về việc gọi điện và truy cập mạng bằng 3G không thể thực hiện được.
Ngay cả tổng đài chăm sóc khách hàng của MobiFone cũng không thể kết nối được
Ngay cả tổng đài chăm sóc khách hàng của MobiFone cũng không thể kết nối được
Việc không thể kết nối liên lạc không chỉ xảy ra đối với thuê bao nội mạng của MobiFone mà ngay cả tới các mạng khác cũng tương tự. Thậm chí liên lạc với tổng đài hỗ trợ khách hàng của MobiFone là 9090 hay 18001090 cũng không thể kết nối. Ngoài ra gửi nhắn tin tới số khác, máy cũng đều báo không gửi được.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về sự cố này, đại diện MobiFone cho biết, việc gián đoạn kết nối là do nhà mạng tiến hành nâng cấp hệ thống tổng đài để phục vụ cho dịp lễ 30/4 - 1/5. Tình trạng này không chỉ xảy ra với thuê bao ở khu vực Hà Nội mà cũng ảnh hưởng tới người dùng ở miền Trung.

Đến hơn 10 giờ sáng cùng ngày, các thuê bao MobiFone đã liên lạc và sử dụng được 3G như bình thường.

Hơn 26.000 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ trong 4 năm

Theo báo cáo của thanh tra Bộ KH&CN, trong giai đoạn 2012 - 2015, các lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi toàn quốc đã xử lý hơn 26.000 vụ việc với tổng số tiền phạt hơn 68 tỷ đồng.
Thói quen vi phạm quyền SHTT đang đối mặt với nhiều chế tài pháp luật được quy định chặt chẽ và thực thi mạnh mẽ hơn. Ảnh minh họa
Thói quen vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang đối mặt với nhiều chế tài pháp luật được quy định và thực thi mạnh mẽ hơn. Ảnh minh họa
Các cơ quan chức năng  cũng đã tịch thu, buộc tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 70 tấn thực phẩm chức năng các loại; hàng chục nghìn chai rượu; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; hơn 80.000 tấn phân bón và hàng triêu sản phẩm điện tử, túi xách, dầy dép, quần áo thời trang, lương thực thực phẩm giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp; buộc tiêu hủy hàng chục nghìn đĩa CD-VCD không tem nhãn có nguồn gốc nhập lậu...

Trong lĩnh vực thực thi bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính, năm 2015, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất 89 doanh nghiệp về chấp hành các quy định về quyền tác giả đối với máy tính trên cả nước. Qua đó, đã kiểm tra 3.942 máy tính, xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,5 tỷ đồng.

Sẽ diễn ra nhiều sự kiện KH&CN quan trọng trong thời gian tới

Nổi bật nhất là việc trao tặng các giải thưởng quan trọng trong lĩnh vực KH&CN như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN và Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Theo đó, Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN dự kiến sẽ được trao vào đúng dịp Quốc khánh 2/9/2016. Đây được xem là 2 giải thưởng trong nước cao quý nhất được trao tặng cho các tác giả/nhóm tác giả của công trình/cụm công trình KH&CN tiêu biểu, có giá trị cao về KH&CN, hiệu quả kinh tế xã hội cũng như có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống.

Hiện tại, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng 2 Giải thưởng trên vẫn nhận hồ sơ đề nghị Giải thưởng đến hết ngày 5/4/2016.

Về việc triển khai xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016, các Hội đồng chuyên ngành đã tổ chức xét chọn công trình tham dự theo từng lĩnh vực ngay trong tháng 2/2016. Đầu tháng 4/2016, Bộ trưởng Bộ KH&CN sẽ ký Quyết định công nhận các tác giả đoạt giải và Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam - 18/5/2016.

73 sản phẩm đạt danh hiệu Sao Khuê 2016

Đây là kết quả vừa được Hội đồng chung tuyển giải thưởng Sao Khuê 2016, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) công bố.
Hội đồng Chung tuyển năm nay gồm 28 thành viên là các chuyên gia uy tín đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia công nghệ và các phóng viên chuyên ngành CNTT
Hội đồng Chung tuyển năm nay gồm 28 thành viên là các chuyên gia uy tín đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia công nghệ và các phóng viên chuyên ngành CNTT
Cũng theo VINASA, tổng doanh thu của 10 sản phẩm, dịch vụ Top 10 Sao Khuê 2016 đạt trên 240 triệu USD chiếm tới 17% tổng doanh thu toàn ngành chưa kể sản phẩm có doanh thu gián tiếp cũng lên tới vài ngàn tỷ đồng. Top 10 Sao Khuê năm nay đa phần thuộc về những doanh nghiệp lớn có thương hiệu, tiếng vang lớn, không những phục vụ cho thị trường Việt Nam mà còn đã và đang phục vụ nước ngoài.

Bốn dịch vụ được công nhận Top 10 Sao Khuê 2016, đều là dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm có tổng doanh thu lên đến hơn 5,200 tỷ đồng (230 triệu USD) và tổng số lao động gần 11,000 người. Từ năm 2009 đến nay, hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm liên tục là điểm sáng trong sự phát triển của ngành với tỉ lệ tăng trưởng trung bình từ 30 - 35% tập trung vào 3 mảng thị trường chính là Bắc Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, hàng năm đem lại nguồn ngoại tệ rất tốt cho Việt Nam.