Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những tấm gương bình dị ngành y tế Thủ đô

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” đã có tác động to lớn làm thay đổi diện mạo của ngành y tế Thủ đô.

Cần lắm những tấm lòng nhân ái

Là cán bộ ngành y với thâm niên 34 năm công tác, anh Phạm Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Vật tư thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông coi hành động cứu nạn nhân đuối nước của mình là hết sức nhỏ bé, bình dị.

Anh Hùng chia sẻ, chiều ngày 22/7/2024, khi đi du lịch, tắm biển cùng gia đình tại bãi biển Quỳnh Lưu, Nghệ An, khi nghe tiếng hô “cứu người, có người chết đuối”, theo phản xạ, anh và người em bơi nhanh đến chỗ 3 cô gái đang bị sóng biển cuốn ra xa bờ. Dù có kinh nghiệm, kiến thức và nỗ lực hết sức mình nhưng khi bơi tới nơi, sóng biển lớn có lúc dìm cả 5 người xuống.

Anh Phạm Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Vật tư thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông
Anh Phạm Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Vật tư thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông

“Có lúc tôi đã nghĩ đến tình huống xấu nhất là không thể cứu được 3 cô gái và chắc mình cũng không qua khỏi. Song với bản năng sinh tồn, tôi cố gắng lấy hết sức lặn xuống biển đạp chân xuống đất thì mới đẩy được mọi người vào bờ.

Sau một hồi vật lộn với sóng biển, anh em tôi đã đẩy được 3 cô gái đó vào bờ an toàn. Khi dìu được nhau vào bờ, tôi gần như kiệt sức và ai cũng cảm nhận được là mình đã may mắn. Hôm sau 3 cô gái đến cảm ơn và giới thiệu đều là giáo viên cấp 3 Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Hà Tĩnh)” - anh Hùng nhớ lại.

Trong cuộc sống ai cũng có thể gặp hoạn nạn, không phải ai cũng may mắn. Họ cần lắm những tấm lòng nhân ái, giúp đỡ, sẻ chia để có thể vượt qua khó khăn. Sự giúp đỡ có thể xuất phát từ những hành động nhỏ bé, giản dị nhưng đầy ý nghĩa như là một lời động viên.

Hiện thực hóa quyết tâm ghép tạng từ người cho chết não

Từ nhiều năm nay, kể từ khi thành công trong việc ghép thận từ người cho sống, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn qua nhiều thời kỳ đã quyết tâm thực hiện lấy và ghép tạng từ người cho chết não. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được đề cập đến nhiều lần trong kế hoạch phát triển hàng năm của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Để hiện thực hóa quyết tâm này, bệnh viện đã thành lập các hội đồng, tổ chuyên môn liên quan như hội đồng chẩn đoán chết não, tổ tư vấn hiến tạng, kíp hồi sức, các kíp ghép tạng...

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thực hiện thành công ca lấy, ghép tạng từ nạn nhân chết não.
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thực hiện thành công ca lấy, ghép tạng từ nạn nhân chết não.

PGS.TS Trần Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, nhiều năm qua, cán bộ y bác sĩ bệnh viện đã tham gia nhiều hội thảo, khóa tập huấn về tư vấn hiến tạng, chẩn đoán, hồi sức chết não, phẫu thuật lấy và ghép tạng. Trong các công tác chuẩn bị, đặc biệt khó khăn nhất là công tác tư vấn thuyết phục để người nhà bệnh nhân chết não đồng ý hiến tạng.

Tỳ lệ thành công cho đến nay thống kê tại trung tâm ghép tạng hàng đầu là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng chỉ đạt 3-4%. Bệnh viện Xanh Pôn cũng đã tiếp cận tư vấn gia đình các bệnh nhân tiềm năng hiến tạng từ hơn 1 năm nay, bất kể thời gian ngày đêm.

Có những lần, tưởng chừng như đã thành công nhưng cuối cùng người nhà lại thay đổi ý định và từ chối. Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vẫn quyết tâm, không nản lòng và duy trì thường qui công tác tư vấn vận động hiến tạng.

Với sự quyết tâm và kiên trì, thời điểm đầu tiên ấy cũng đến. Vào ngày 23-24/8/2024 đã đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử phát triển, ngành  y tế Thủ đô, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã trở thành bệnh viện đầu tiên vận động hiến tạng từ người cho chết não thành công, thực hiện đồng thời cả kỹ thuật lấy và ghép mô tạng từ người cho chết não.

Một thành tích được tạo dựng từ rất nhiều công sức và tâm huyết của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cùng sự phối hợp của Trung tâm điều phối tạng Quốc gia, các bệnh viện và chuyên gia đầu ngành trong cả nước.

Với hai thận được ghép cho hai người bệnh suy thận tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, lá gan được ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hai giác mạc được sử dụng cho người bệnh tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.

Đặc biệt, trái tim cùa chàng trai quê Đông Anh, Hà Nội được chuyển thẳng trong đêm vượt qua quãng đường gần 2.000km để tiếp tục sự sống cho một người bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, từ năm 2014 đến nay, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 124-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, ngành y tế Thủ đô đã có nhiều đổi mới.

Sở Y tế Hà Nội tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác tư vấn, lấy, ghép mô tạng từ người cho chết não.
Sở Y tế Hà Nội tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác tư vấn, lấy, ghép mô tạng từ người cho chết não.

Qua phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” và Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” hằng năm, Sở đã phát hiện hàng trăm tấm gương tiêu biểu. Những tấm gương rất đỗi bình dị, thường ngày nhưng mang đậm tính nhân văn của cán bộ công chức, viên chức ngành y tế Thủ đô đã tạo nên sức lan tỏa rộng khắp.

Tính từ năm 2009 đến nay, toàn ngành có hơn 11.500 cá nhân đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp ngành, 231 cá nhân được công nhận danh hiệu cấp TP và 7 cá nhân được UBND TP vinh danh “Công dân Thủ đô Ưu tú”. Trong 8 tháng năm 2024 đã có 112 cá nhân được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp ngành, tiếp tục đề nghị UBND TP xét, tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp TP đối với 20 cá nhân.

Đây là phần thưởng cao quý, có sức lan tỏa, động viên đội ngũ hơn 26.000 cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành y tế Thủ đô tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.