Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những thói quen gây ùn tắc giao thông

Đàm Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một thói quen gây tắc đường và cản trở, ảnh hưởng lớn đến công tác cứu nạn giao thông chính là thói tò mò.

Từ một va chạm nhẹ đến một vụ tai nạn nghiêm trọng cũng đều là nguyên nhân để người đi đường dừng lại xúm đen, xúm đỏ chỉ trỏ, bàn tán gây khó khăn cho lực lượng và phương tiện cứu hộ, và gây… tắc đường.

Bài 1: Chuyện… bình thường

Bài 2: Những người thích lách lên phía trước

Bài 3: Tính tò mò tai hại

Tắc đường vì… tò mò

Người viết bài này đã không ít lần chứng kiến cảnh nhiều người dừng xe giữa đường để xúm vào xem một vụ va chạm hay TNGT. Mà không phải chỉ người đi xe đạp, xe máy xem, ngay cả những người lái ô tô cũng dừng lại cho thỏa… thói tò mò. Thế là không chỉ phía đường có sự cố bị tắc, mà cả bên phía đường ngược chiều, dòng xe cộ cũng dồn ứ lại chỉ vì người ta muốn xem “việc gì xảy ra”. Nói không ngoa, trên đường chỉ một người quen lâu ngày nhìn thấy nhau cất giọng chào lớn một chút cũng làm nhiều người giảm tốc độ hoặc dừng xe ngoái lại “xem có chuyện gì”. Có rất nhiều đám đông làm ách tắc giao thông kéo dài mà thực tế mọi người chẳng biết có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng do tò mò, người ta hễ thấy có đám đông là dừng lại để rồi người nọ hỏi người kia “có chuyện gì thế?”, mà cuối cùng chả ai biết có chuyện gì. Thế là sự ùn tắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu bởi cái thói tò mò của người đi đường.
Người dân dừng xe xem vụ TNGT trên đường Võ Chí Công, sáng 16/8. Ảnh: Thanh Hải
Người dân dừng xe xem vụ TNGT trên đường Võ Chí Công, sáng 16/8. Ảnh: Thanh Hải
Chả thế có chuyện như đùa rằng, đang lúc đường phố đông đúc, có một người đàn ông cứ ngửa mặt lên trời đi sát vỉa hè. Mấy người hàng phố thấy vậy đoán già đoán non chắc ông này đang nhìn vật gì đó trên cao nên cũng đua nhau ra ngửa cổ nhìn lên trời. Thế rồi người nọ hỏi người kia, thi nhau ngửa cổ lên trời mà chẳng ai nhìn thấy gì. Cũng vì chưa ai nhìn thấy gì càng khiến người ta tò mò kéo ra đi theo sau người đàn ông mỗi lúc một đông, đến nỗi kéo theo cả những người đang đi đường cũng dừng lại “ngửa cổ nhìn trời”. Cho đến lúc cả một đoạn phố ùn tắc kéo dài, dòng người xe hỗn loạn tiếng còi xe inh ỏi, người đàn ông kia như chợt tỉnh, dừng lại đưa tay ôm mặt. Lúc này, người ta mới thấy trên mặt, trên tay ông loang máu. Người ta lại xúm lại hỏi xem có chuyện gì, mới hay ông bị… chảy máu cam. Ông bảo, mình bị chảy máu cam mà không có giấy bịt nên theo cách chữa “truyền thống” là ngửa cổ lên trời cho máu đỡ chảy (?). Có vậy thôi mà làm cho bao người cứ tưởng ông đi tìm vật thể gì đó trên xa lắc thinh không nên đi theo làm… tắc đường.

Thói xấu cần bỏ

Việc tò mò của người tham gia giao thông đôi khi dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc, có thể làm ảnh hưởng tới tài sản, thậm chí là sinh mạng con người. Bởi trên thực tế, nhiều vụ TNGT, người ta xúm đen xúm đỏ chỉ để nghển cổ đứng xem, chỉ trỏ, bàn tán. Thậm chí có người còn dùng điện thoại quay lại các hình ảnh này để đưa lên Facebook như một… chuyện vui. Tệ hơn nữa là khi có lực lượng cứu hộ đến, người ta cũng không dẹp đường cho xe chuyên dụng tiếp cận cấp cứu nạn nhân. Cũng như vậy, mỗi khi có đám cháy nổ xảy ra thì thôi rồi, bất kể đang đi đâu, làm gì, người ta sẵn sàng dừng xe theo dõi sự việc. Chính vì vậy mà nhiều vụ cháy nổ, xe chuyên dụng của lực lượng cứu hộ rất khó tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất nhằm giảm bớt những thiệt hại. Đã có lần, trên đoạn đường Trần Cung từ lối rẽ Hoàng Quốc Việt đến Bệnh viện E chỉ khoảng 300m, một xe cấp cứu đã phải mở cửa để các y, bác sĩ khiêng bệnh nhân cấp cứu chạy bộ len lỏi giữa dòng người, xe chật cứng vào viện. Hay những lần xe cứu hỏa bất lực hú còi giữa biển người, xe chật cứng trên đường không thể di chuyển được.

Không phủ nhận việc đường xá của chúng ta còn nhỏ, hẹp. Tuy nhiên, nếu ý thức tham gia giao thông đươc chấp hành nghiêm túc, chắc chắn việc ùn tắc cũng được giảm nhiều. Chỉ một so sánh nhỏ là việc chạy xe trên đường ở các nước phát triển, làn đường sát dải phân cách luôn được dành cho xe cần vượt. Tất cả các xe khác đều chạy trong các làn đường bên phải, mỗi khi cần vượt chỉ cần nháy đèn hiệu vượt trên làn này, vượt lên rồi lại đi vào làn trong. Chính vì vậy, trên đường luôn có làn đường thoáng cho các xe ưu tiên khi cần chạy tốc độ cao. Hoặc khi có tín hiệu đèn ưu tiên (cứu hỏa, cấp cứu, công an..) thì tất cả các xe đang lưu thông trên đường đều nhanh chóng dẹp vào hai bên lề đường nhường cho phương tiện ưu tiên. Nhờ vậy, lực lượng hỗ trợ, cấp cứu có thể tiếp cận hiện trường, nạn nhân trong thời gian nhanh nhất. Đó chính là lý do việc cứu chữa đạt hiệu quả và giảm bớt thiệt hại về tài sản và người.

Nhưng ở ta không vậy. Nên ùn tắc vẫn liên tục phát triển dù đường có mở rộng thêm gấp nhiều lần!
(Còn nữa)