Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những trường hợp nào sử dụng khoản chi của Quỹ Tích lũy trả nợ?

Kiều Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ thành lập Quỹ Tích lũy trả nợ và giao Bộ Tài chính thực hiện quản lý theo quy định tại Điều 56 của Luật Quản lý nợ công trên cơ sở Quỹ Tích lũy trả nợ được thành lập theo quy định tại Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14/10/2010 của Chính phủ.

 Ảnh minh họa
Theo quy định, Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ quyết định việc sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ để xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật Quản lý nợ công, bao gồm quyết định về bên nhận ứng vốn, trị giá ứng vốn, lãi suất ứng vốn, thời hạn hoàn trả ứng vốn; quyết định việc khoanh nợ khoản ứng vốn hoặc cơ cấu lại khoản ứng vốn; quyết định việc sử dụng nguồn Quỹ để xử lý rủi ro phát sinh, bao gồm xóa nợ gốc, lãi, lãi phạt, thay đổi lãi suất ứng vốn khi bên nhận ứng vốn gặp khó khăn do nguyên nhân bất khả kháng; quyết định việc trích một phần phí bảo lãnh, phí cho vay lại và quy định việc quản lý sử dụng kinh phí được trích từ phí bảo lãnh, phí quản lý cho vay lại cho nghiệp vụ quản lý nợ công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính có nhiệm vụ tổ chức quản lý và thực hiện thu, chi, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 56 Luật Quản lý nợ công và quy định tại Nghị định này; báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về tình hình thu, chi, nghĩa vụ trả nợ, nguyên nhân Quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ, đề xuất phương án xử lý theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước trong trường hợp Quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Đồng thời, quyết định gia hạn thu hồi khoản vốn ứng trong trường hợp đối tượng được bảo lãnh gặp khó khăn trong trả nợ theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ và Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài; quyết định việc lựa chọn các ngân hàng thương mại trong nước để gửi tiền có kỳ hạn, ủy thác quản lý vốn của Quỹ...

Các khoản thu, chi của Quỹ Tích lũy trả nợ

Nghị định quy định các khoản thu của Quỹ gồm: Thu hồi nợ cho vay lại (bao gồm gốc, lãi, lãi phạt và các khoản phí); thu dự phòng rủi ro đối với khoản cho vay lại; thu phí quản lý cho vay lại (phần Bộ Tài chính được hưởng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ); phí bảo lãnh và lãi phạt chậm trả đối với khoản phí bảo lãnh (nếu có); thu hồi các khoản ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ; thu từ nghiệp vụ cơ cấu lại nợ, danh mục nợ; thu lãi tiền gửi, cho vay, ủy thác quản lý vốn và đầu tư của Quỹ và các khoản thu hợp pháp khác.

Các khoản chi của Quỹ gồm: Chi trả nợ nước ngoài (gốc, lãi), phí (nếu có) đối với khoản vay về cho vay lại. Trường hợp ngân sách nhà nước đã ứng nguồn chi trả nợ nước ngoài, Quỹ Tích lũy trả nợ có trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước phần đã ứng; ứng vốn để trả nợ nước ngoài đối với các khoản vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chi xử lý rủi ro theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chi nghiệp vụ quản lý nợ công từ nguồn thu phí quản lý cho vay lại, phí bảo lãnh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc không trùng lắp với dự toán chi thường xuyên được ngân sách nhà nước đảm bảo.

Sau khi cân đối sử dụng cho các khoản chi trên, Quỹ được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách nhà nước vay, đầu tư vốn nhàn rỗi, mua trái phiếu Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công và quy định tại Nghị định này.