Phía trong và ngoài bến xe "người chen người", "tay xách nách mang", và không ai bảo ai, phần lớn các thí sinh khi xuống xe, việc đầu tiên là tìm đến bàn hướng dẫn của các sinh viên tình nguyện.
Ồ ạt “lai kinh”
Từ chuyến xe Ninh Bình - Hà Nội vào bến Giáp Bát, một lượng lớn thí sinh và người nhà xuống xe. Có lẽ không có bậc phụ huynh nào yên tâm cho con đi một mình, nên cứ một mẹ kèm một con, một bố một con… Ai cũng cố nhanh chóng tìm cho mình một chỗ ngồi nghỉ trước vỉa hè dải phân cách của sân bến, để rồi mới xác định mình sẽ đi đâu. Vây quanh những người khách là lực lượng xe ôm cũng nhiều không kém. Một người đàn ông khoảng ngoài 40 đưa con trai đi thi đang ngồi nghỉ dưới gốc cây, vây quanh ông là 3 "bác" xe ôm..., người đàn ông thì ra sức từ chối không đi. Được biết, ông tên Hoàn, quê Thọ Xuân, Thanh Hoá, cho con thi vào Đại học Bách Khoa. Ông cho biết: "Đây là lần đầu tiên ra Hà Nội, nhưng may quá lại có người nhà ở ngoài này hẹn ra đây đón và lo cho chỗ ăn, ở. Chú ấy nói, bố con cứ chờ trước cửa bến xe cho dễ tìm".
Không phải ai cũng may mắn có người quen ở thành phố để "tá túc" như ông Hoàn, nhiều người trước khi đi đã nhờ người quen tìm hộ nhà trọ nên giờ nhàn nhã hơn, chỉ việc "lên xe tìm về chỗ trọ" và yên tâm chờ đến ngày thi. Còn lại, với nhiều thí sinh và phụ huynh khi "chân ướt chân ráo" đặt chân đến Thủ đô điều đầu tiên họ nghĩ đến là chỗ trọ.
Lượng xe ôm tại các bến xe, nhà ga dường như cũng đông hơn. Nhìn những khuôn mặt rám nắng, mệt nhọc nhưng cũng đầy háo hức bước từ trên xe xuống nhiều người không khỏi chạnh lòng thốt lên: "Không hiểu thi cử có thành công không, nhưng đúng là con thi, bố mẹ cũng phải "thi" theo thật". Một người phụ nữ và cô con gái đang được thanh niên tình nguyện hướng dẫn bắt xe buýt về trường ĐH KHXH&NV Hà Nội nói: Tôi quê ở Quảng Ninh, chưa lên Hà Nội bao giờ nhưng không có ai đi cùng cháu nên phải "liều". Trước khi đi, mọi người đã dặn phải cẩn thận, không biết đường, cứ nhờ đến thanh niên tình nguyện. Bây giờ hai mẹ con sẽ đến ký túc xá, nghe nói ở đó có nhiều chỗ cho thuê...".
"Trăm sự nhờ thanh niên tình nguyện”
Quanh các bàn tư vấn đặt ngay trước cửa nhà chờ bến xe Giáp Bát, các sinh viên tình nguyện phải làm việc luôn tay, trả lời luôn miệng. Thanh Hòa, sinh viên tình nguyện trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) nói: Dựa vào địa chỉ của địa điểm thí sinh dự thi, bọn em hướng dẫn mọi người đến nơi có thể tìm nhà trọ thuận tiện nhất. Ngoài ra, sinh viên sẽ giúp đỡ những thí sinh gặp khó khăn, hoặc xảy ra sự cố trên đường. Nhiều bác không biết tìm chỗ trọ ở đâu cứ luôn miệng "thôi thì trăm sự nhờ các anh chị thanh niên tình nguyện giúp cho".
Tại bến xe Mỹ Đình, 29 đội tình nguyện thuộc các trường ĐH, CĐchia hai ca liên tục tức trục tại hai cổng của bến và rải rác quanh khu nhà chờ, sảnh ngoài và trong. Đội xe tình nguyện "Áo xanh chở ước mơ hồng" của các quận, huyện liên tục đưa đón thí sinh và người nhà đến địa điểm trọ hoặc nhà người quen. Hội đồng hương sinh viên Nam Định, Bắc Giang, Hà Nam… cũng ra quân. Phạm Văn Trình (ĐH Bách Khoa Hà Nội), Hội sinh viên đồng hương Nam Định cho biết, đội chia thành 2 nhóm, 1 nhóm chuyên đi tìm nhà trọ cho thí sinh và nhóm còn lại chuyên chở "xe ôm" đưa đón thí sinh tới các địa điểm thi và nhà trọ miễn phí.
Trước các cổng trường đại học, ký túc xá thi đợt một lượng sỹ tử cũng bắt đầu đông đúc. Họ đến để tìm chỗ trọ, để nghe các chỉ dẫn về địa điểm thi, thủ tục dự tuyển... Để phục vụ cho thí sinh và người nhà lên thi, mỗi ký túc xá thuộc các trường đại học đã dành ra khoảng 1.000 chỗ cho thuê. Anh Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên thành phố Hà Nội cho biết: Mặc dù, lượng thí sinh đổ về các bến xe, nhà ga quá đông, nhưng do có sự chuẩn bị sớm các kế hoạch và dự trù tình huống nên tại các bến xe, nhà ga không có cảnh lộn xộn, mất trật tự và hoạt động chồng chéo như những năm trước.
Tại bến xe Giáp Bát, có khoảng 100 suất trọ miễn phí chờ thí sinh và người nhà có nhu cầu. Tại ga Long Biên cũng có đội tình nguyện của Hội đồng hương sinh viên Kinh Bắc, ĐH Đông Đô, ĐH Kinh doanh và Công nghệ, ĐH Kinh tế quốc dân. Tại bến xe Lương Yên có đội tình nguyện của trường ĐH Lao động, ĐH Luật… "đón tận bến, đưa tận nhà" với mỗi thí sinh... |