Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Niềm vui dưới đỉnh Ka Hâu

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, nhóm thiện nguyện "Cầu Giấy yêu thương" và các nhà hảo tâm đã tổ chức khánh thành điểm trường mầm non xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên – một trong những xã vùng biên giới đặc biệt khó khăn.

Đai diện nhóm ''Cầu Giấy yêu thương'' và chính quyền địa phương, huyện Điện Biên cắt băng khánh thành điểm trường Hua Thanh.
Thương lắm Na Ư
Trong quá khứ, khi nhắc đến Na Ư, điều đầu tiên người ta sẽ nhớ đến đỉnh Ka Hâu với biệt danh “Thung lũng tử thần”, đến cửa khẩu Tây Trang nơi nổi tiếng với sự khắc nghiệt của thời tiết, đến những khó khăn của đồng bào dân tộc Mông đang ngày ngày bám trụ trên những triền núi vùng biên giáp với đất bạn Lào... Tuy nhiên, với những nỗ lực của chính quyền địa phương, giờ đó đã là câu chuyện của quá khứ, của dĩ vãng…
Giờ đây, với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng… bộ mặt Na Ư đã có những khởi sắc rõ nét. Từ ngã ba QL 249 rẽ vào xã Na Ư, những con đường đất xen lẫn với nhưng viên đá hộc, trơn trợt mỗi khi mùa mưa về năm xưa, nay đã được thay thế bằng những con đường trải nhựa, bê tông đến tận trung tâm xã. Nhờ đó, đời sống kinh tế của hơn 300 gia đình trong xã ngày càng phát triển.
Từ nay, các em học sinh trường điểm trường Hua Thanh sẽ được học trong những phòng học khang trang, sạch sẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cuộc sống của những người dân nơi, đặc biệt là công tác “bám trường, bám bản”, đưa con chữ đến với đồng bào dân tộc vẫn gặp không ít khó khăn.
Đơn cử như tại điểm trường Hua Thanh, xã Na Ư, mặc dù đã có sự đầu tư mạnh mẽ để phát triển hạ tầng, nhưng do những khó khăn về ngân sách, nên từ nhiều năm nay, dù mang tiếng là điểm trường nhưng nó vẫn chỉ là những dãy nhà tạm, cũ nát, xuống cấp… sẵn sàng có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Cô Phạm Thị Nhung - Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Na Ư chia sẻ, trường mầm non xã Na Ư được thành lập từ 4/2004, trường có 1 điểm chính và 6 điểm trường với 11 phòng học bán kiên cố phân bổ đều trên các bản của xã.
Không chỉ có phòng học mới, các em học sinh nơi đây cũng có đồng phục, ba lô mới.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, các phòng học ở các điểm trường đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập, sinh hoạt của các em học sinh tại trường. “Viêc vận động, duy trì sĩ số của các em học sinh vùng cao đến trường vốn đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vào mùa mưa, mùa lạnh, những khó khăn đó càng tăng lên gấp bội. Bởi, sự xuống cấp của các điểm trường, phòng học khiến việc học tập, sinh hoạt, công tác đảm bảo an toàn cho sức khỏe tính mạng của cô, trò tại các điểm trường gặp muôn vàn khó khăn…” - cô Phạm Thị Nhung chia sẻ.
Cho yêu thương để nhận lại thương yêu
Thấu hiểu những gian truân, vất vả của cô, trò trường mầm non xã Na Ư, từ đầu năm 2019, dự án xây dựng điểm trường Hua Thanh với quy mô 3 phòng học, 1 phòng công vụ cho giáo viên, một nhà vệ sinh 2 ngăn, hàng rào B40 bao quanh lớp học, 50m2 sân bê tông… đã được nhóm Cầu Giấy Yêu Thương và Công ty CP Viễn thông - Tin học Bưu Điện (CTIN) thực hiện.
Bà Bùi Thanh Vân - Thành viên nhóm thiện nguyện "Cầu Giấy yêu thương" chia sẻ, với phương châm trao yêu thương để nhận lại thương yêu, trong những năm qua, nhóm thiện nguyện "Cầu Giấy yêu thương" đã phối hợp với các nhà hảo tâm xây dựng các điểm trường tại nhiều xã biên giới đặc biệt khó khăn ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Điểm trường Hua Thanh là một trong 2 điểm trường được xây dựng trong dịp này.
“Những đóng góp, hỗ trợ của các nhà hảo tâm không thể so sánh được với những gì mà cô, trò trường mầm non xã Na Ư nói chung và điểm trường Hua Thanh nói riêng đã phải trải qua. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng, những đóng góp đó sẽ góp phần san sẻ những khó khăn, vất vả trong hành trình đưa cái chữ đến vùng cao, hành trình trồng người của các cô giáo bám bản” - bà Vân chia sẻ.
Em Ly Bích Hạnh - 4 tuổi, điểm trường mầm non Hua Thanh (Trường Mầm non xã Na Ư) thẹn thùng nói, lớp mới đẹp lắm, sạch lắm, lại còn có nhiều đồ chơi hơn lớp cũ. Bọn con, ai cũng vui.
Không giấu được niềm vui khi từ nay các cô, trò điểm trường mầm non Hua Thanh đã được học tập, sinh hoạt trong cơ ngơi khang trang, sạch sẽ, bà Mùa Thị Đớ - Phó Chủ tịch UBND xã Na Ư chia sẻ, chúng tôi không biết nói gì cả, thay mặt Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và Nhân dân trong xã tôi xin chuyển đến nhóm "Cầu Giấy yêu thương", Công ty CP Viễn thông - Tin học Bưu Điện (CTIN) và các nhà hảo tâm 2 chữ cám ơn. “Những đóng góp, hỗ trợ của nhóm thiện nguyện và các nhà hảo tâm sẽ góp phần vô cùng quan trọng trong việc phát triển giáo dục, xã hội, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc nơi đây” - bà Đớ chia sẻ.
Nhóm thiện nguyên chụp ảnh lưu niệm với cô trò trường mầm non Na Ư.
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương Mại Thiên Phước đã trao tặng chăn, màn, đồng phục, ba lô cho 100% các em học sinh đang theo học tại trường. Được biết, ngoài việc đưa vào sử dụng điểm trường Hua Thanh, nhóm "Cầu Giấy yêu thương" và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thương Mai Thiên Phước đang triển khai xây dựng điểm trường Huổi Thủng 3, cụm 1, trường mầm non Na cô sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Dự kiến, công trình sẽ đưa vào sử dụng trong đầu tháng 5/2019.