Niềm vui và nỗi lo

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy tháng qua, những người yêu Hà Nội có một niềm vui xen lẫn chút âu lo khi chứng kiến một công trường hoạt động hối hả ngày đêm bên Hồ Gươm. Đó là công trường thi công Dự án Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Gươm được thực hiện sau 10 năm chuẩn bị và ba lần lấy ý kiến của người dân cùng các chuyên gia vào tháng 1/2017, tháng 3/2018 và tháng 1/2020.

Kè Hồ Gươm có diện mạo mới. Ảnh: Công Thọ

Trước hết nói về niềm vui. Được khởi công từ ngày 21/4/2020, dự án phấn đấu sẽ hoàn thành vào 31/8 và sẽ được gắn biển Công trình chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Dự án bao gồm các hợp phần cải tạo hệ thống kè; hạ ngầm đường dây điện, thông tin, chiếu sáng và hệ thống tưới nước tự động cho thảm cỏ, vườn hoa; thay thế gạch lát đã cũ hỏng, xuống cấp bằng đá granit tự nhiên hứa hẹn sẽ mang đến một diện mạo mới đẹp đẽ cho Hồ Gươm. Quan sát trực tiếp ở công trường có thể thấy hiện tại mọi phần việc về cơ bản đã được hoàn tất. Tin rằng công trình sẽ về đích đúng tiến độ, đem lại niềm vui cho người dân Hà Nội và cả nước.
Niềm vui tăng thêm bởi ai cũng biết Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt, mọi chi tiết, cảnh quan nơi đây rất cần được tôn trọng, gìn giữ, mỗi thay đổi đều phải tính toán rất kỹ lưỡng. Chính vì nhận thức rõ điều này, Ban Quản ký Dự án đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, người yêu Hồ Gươm và công chúng qua 3 lần xin ý kiến và có những điều chỉnh phù hợp.
Một ví dụ gần đây nhất, ngay khi công trình sắp hoàn thiện, Ban quản lý đã tiếp thu điều chỉnh vị trí những tủ điện ảnh hưởng đến vẻ đẹp cây lộc vừng, cây gạo, Tháp Hòa Phong trên bờ hồ phía đường Đinh Tiên Hoàng. Mong rằng thái độ thực sự cầu thị này tiếp tục được phát huy để dự án được thực hiện thật tốt đẹp, và để những người yêu Hồ Gươm thật sự có một niềm vui trọn vẹn.
Tuy nhiên, niềm vui cũng xen lẫn những âu lo. Cái lo trước hết xuất phát từ một hiện tượng đáng buồn đã từng tồn tại. Đó là không chỉ vỉa hè, đường dạo tại khu vực Hồ Gươm bị xuống cấp, cần chỉnh trang. Hiện tượng này thấy được ở nhiều nơi trong TP, và bởi vậy, nó kéo theo hệ lụy đáng buồn là Hà Nội thường xuyên có cảnh vỉa hè được đào lên, lấp xuống. Thậm chí có nơi vỉa hè vừa lát xong đã bị đào lên để sửa đường nước, đường điện…
Người dân lo và mong rằng với sự chuẩn bị kỹ càng cùng tinh thần trách nhiệm câu chuyện đáng buồn nói trên không tái diễn và công trình tu tạo vỉa hè và đường dạo khu vực Hồ Gươm sẽ đạt độ bền vĩnh cửu như mong ước của người dân và nhận định của các chuyên gia, cũng là quyết tâm của Ban quản lý Dự án.
Được biết, đá dùng cho công trình là đá granit tự nhiên Bình Định, Phú Yên đáp ứng quy định, tiêu chuẩn của TP, được Bộ Xây dựng phê duyệt, được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng và đã được thử thách qua thực tế sử dụng tại nhiều công trình trong phố cổ hàng chục năm trước. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào công tác thi công. Rất cần làm sao để việc thi công bảo đảm quy trình kĩ thuật, không bị bớt xén vì sức ép thời gian.
Một cái lo nữa, cũng cần nhắc tới, dù không hề muốn. Đó là, dù được thi công đúng quy trình kĩ thuật, một khi đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tuổi thọ, độ bền và cả vẻ đẹp của công trình còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức bảo vệ, cung cách sử dụng công trình của cộng đồng. Ông cha ta đã có câu: Của bền tại người. Đây cũng là bài học đã có với nhiều công trình công cộng khác, làm sao để mỗi người Hà Nội nhớ nằm lòng.
Tin rằng với tinh thần trách nhiệm, với tình yêu Hà Nội, Ban quản lý Dự án, các đơn vị thi công và mỗi người dân Hà Nội bằng hành động của mình tiếp tục bồi đắp niềm vui, giải tỏa những âu lo, để Khu di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm sau khi được tôn tạo sẽ xứng tầm công trình chào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, để nơi đây mãi là lẵng hoa giữa lòng TP!