Ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBDN tỉnh Ninh Thuận mới đây đã thông qua báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của tỉnh.
Theo đó, trong tổng số 18 chỉ tiêu kế hoạch theo nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Thuận, dự kiến đến cuối năm 2022, chỉ có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 7 chỉ tiêu còn khó khăn, không đạt kế hoạch. Đáng chú ý, cả 7 chỉ tiêu nói trên đều thuộc lĩnh vực kinh tế.
Cụ thể, chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,42% (kế hoạch tăng 10-11%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 76,8 triệu đồng (kế hoạch 78-79 triệu đồng); Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 20.105 tỷ đồng, đạt 65,9% kế hoạch (kế hoạch 30.000–30.500 tỷ đồng), giảm 32,8% so cùng kỳ; Tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP 16,32% (kế hoạch 37,6%); Năng suất lao động tăng 3,1% (kế hoạch 10,04%); Tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP 9,53% (kế hoạch 12%)...
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022 trong bối cảnh có những thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn so với dự báo. Bên cạnh đó, nổi lên một số khó khăn, thách thức mới, diễn biến phức tạp hơn, nhất là giá cả nguyên, nhiên vật liệu, chi phí đầu vào tăng; một số cơ chế, chính sách mới liên quan đến điện gió, điện mặt trời, các chương trình mục tiêu quốc gia chậm ban hành...
Theo đó, ngành năng lượng tái tạo là thế mạnh, đột phá của Ninh Thuận đang gặp khó khăn, tăng trưởng thấp; một số sản phẩm công nghiệp khai khoáng, chế biến giảm sâu; giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt thấp.
Cũng theo UBND tỉnh Ninh Thuận, một số dự án trọng điểm của tỉnh như dự án tổ hợp điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất 1.500 MW, khu công nghiệp Cà Ná, dự án du lịch trọng điểm, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp có tiến độ triển khai chậm. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, nhất là vốn nước ngoài và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; thu tiền đất cấp tỉnh và thu thuế hải quan không đạt kế hoạch đề ra...
Tuy nhiên, Ninh Thuận cũng đạt được những kết quả tích cực trong ngành dịch vụ. Cụ thể, các ngành dịch vụ, thương mại tăng trưởng khá; nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng mạnh.
Hoạt động xuất khẩu thủy sản tiếp tục tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA góp phần nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 15% so cùng kỳ, vượt 8,3% kế hoạch.
Đáng chú ý, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường. Du lịch phục hồi tích cực, số lượng khách du lịch đến tỉnh cao nhất từ trước đến nay đạt 2,4 triệu lượt khách, tăng gấp 2,1 lần so cùng kỳ, vượt 26,3% kế hoạch, tổng doanh thu ngành du lịch tăng gấp 2,4 lần so cùng kỳ.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, chủ trương phát triển du lịch đẳng cấp cao được tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, Ninh Thuận tập trung vào 22 dự án du lịch đang triển khai dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2023-2025, nhất là các dự án du lịch đẳng cấp cao.
Trong năm 2022, Ninh Thuận đã khánh thành, đi vào hoạt động sân golf 18 lỗ và câu lạc bộ sân golf Nara Bình Tiên; đã hoàn thành 2 tòa tháp B (48 tầng) và tòa tháp C (40 tầng) dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2022 của dự án SunBay Park Hotel & Resort; khu khách sạn Long Thuận mới gồm 304 phòng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao; dự án khu du lịch Nam Núi Chúa giai đoạn 1 hoàn thành 15 biệt thự; chuẩn bị khởi công dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Hõm vào cuối năm 2022.