Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, tình trạng chậm đóng, nợ đọng diễn ra ở nhiều doanh nghiệp và xảy ra ở tất cả các địa phương làm cho số nợ bảo hiểm xã hội, y tế tiếp tục tăng cao. Đến 30/6 số nợ khoảng 11.900 tỷ đồng, chiếm 6,69% so với tổng số phải thu. So với cùng kỳ 2013, con số này tăng hơn 2.521 tỷ đồngg, tương đương 27%. Riêng nợ bảo hiểm xã hội là 9.000 tỷ đồng, trong đó nợ từ 6 tháng trở lên là 3.700 tỷ đồng. Nợ bảo hiểm y tế là 2.900 tỷ đồng. Tính đến 31/5, 10 địa phương có tỷ lệ nợ cao so với tỷ lệ chung toàn ngành là: Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Trị... Nguyên nhân chủ yếu theo Bảo hiểm xã hội là hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, công tác thanh tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị sử dụng lao động còn bất cập... Bên cạnh đó, công tác khởi kiện và thi hành bản án của Tòa án đạt hiệu quả chưa cao. Theo báo cáo của các địa phương, đến 31/5 có 52 trong số 63 cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện khởi kiện 1.451 đơn vị nợ đọng bảo hiểm nhưng số tiền thu hồi chỉ đạt 126,2 tỷ đồng. Tính đến 30/6 số người tham gia bảo hiểm xã hội và y tế ước đạt gần 62,4 triệu người, tăng hơn 2,5 triệu người (4,2%) so với cùng kỳ. Tổng thu toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt xấp xỉ 88.179 tỷ đồng, tăng hơn 23%. Số chi ước gần 81.049 tỷ đồng, tăng 15%.