Trong thời khắc quan trọng này, thế giới đặt hy vọng vào sự thận trọng của chính giới nước Mỹ để kinh tế toàn cầu không rơi vào vùng nguy hiểm.
Tình thế nguy hiểm
Ngày 13/10, đề xuất nâng mức trần nợ công ngắn hạn đến ngày 22/11 của phe Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, vốn được kỳ vọng sẽ giúp nước Mỹ thoát khỏi kịch bản vỡ nợ đã bị Thượng viện Mỹ bác bỏ. Tổng thống Obama cũng đã bác bỏ đề xuất nâng trần nợ trong ngắn hạn của đảng Cộng hòa, đẩy cuộc chiến ngân sách tiếp tục rơi vào tình trạng căng thẳng. Lý do của quyết định trên được ông Obama đưa ra là, việc nâng trần nợ trong khoảng 1 đến 2 tháng không phải là một hành động khôn ngoan khi đẩy thời điểm hết hạn vay nợ vào đúng mùa mua sắm lễ hội của người dân Mỹ.
Người dân Mỹ tập trung biểu tình phản đối đóng cửa chính phủ trước tòa nhà Quốc hội. Ảnh: AP
|
Trong bối cảnh, chỉ còn 3 ngày nữa, nỗ lực giữa Quốc hội và Nhà Trắng nhằm nâng trần nợ công hiện đã ở mức 16.700 tỷ USD bất thành đã khiến Bộ Tài chính Mỹ có nguy cơ không thể vay mượn từ thị trường. Dù đến ngày 17/10, Bộ Tài chính còn khoảng 30 tỷ USD tiền mặt và nguồn thu từ thuế nhưng số tiền này chỉ như "muối bỏ bể" chính phủ Mỹ chi tiêu tới 60 tỷ USD/ngày. Vì thế, nếu Quốc hội Mỹ thất bại trong việc nâng trần nợ công, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu "theo hiệu ứng đập tràn". Còn Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim cảnh báo nước Mỹ đang tiến tới "tình thế nguy hiểm" và càng tiến gần đến thời hạn ngày 17/10, tác động của nó đối với thế giới đang phát triển sẽ càng ghê gớm...
Hậu quả khó lường
Trước đó, các chuyên gia đã dự đoán, nếu Mỹ tuyên bố về tình trạng mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài, các thị trường chứng khoán từ London đến Thượng Hải đều chịu những tác động nghiêm trọng. Công cụ chính để thanh toán trên thị trường tài chính là các trái phiếu Mỹ sẽ trở thành vô giá trị và kéo dẫn đến sự sụp đổ của các thị trường toàn cầu. Khi đó, giá vàng sẽ tăng vọt, các nguồn lực tài chính sẽ bắt đầu rút khỏi các tài sản và về cơ bản, hệ thống tài chính với hình thức hiện nay sẽ không còn tồn tại.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chuyện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngừng trả nợ vay nước ngoài là “kịch bản viễn tưởng”. Nên sớm hay muộn, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ cũng sẽ đạt được thỏa thuận về cắt giảm chi phí chi tiêu và nâng trần nợ công. Nhưng cuộc đấu đá quyền lực đẩy nước Mỹ rơi vào "tình thế nguy hiểm" đã khiến sự ủng hộ của người dân đối với cả hai đảng giảm sút nghiêm trọng. Và Con số 60% người Mỹ muốn thay thế toàn bộ lưỡng viện Quốc hội hiện nay là hồi chuông cảnh báo của cử tri đối với hai đảng trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội 2014 chuẩn bị diễn ra.