Đây là một hoạt động quan trọng của ngành kế hoạch & đầu tư trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện cán bộ ngành thuế, ngành hải quan, các doanh nghiệp logistics và trên 100 đại biểu, chuyên gia từ các cơ quan nhà nước Trung ương, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, viện, trường đại học... Sự kiện này là sự khởi đầu của quá trình tìm kiếm các ý tưởng, đầu vào từ cộng đồng doanh nghiệp để xác định các thách thức thực sự liên quan đến hệ thống quy định và thủ tục về thuế và thương mại qua biên giới (hải quan) ở Việt Nam.
|
Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, Nghị quyết 19/NQ-CP là một gói các giải pháp đổi mới nhằm cắt giảm chi phí, thời gian và rủi ro trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Nhằm đảm bảo những giải pháp đổi mới này được thực hiện thành công, các cơ quan Chính phủ đang tích cực phối hợp cùng các doanh nghiệp, hiệp hội tìm hiểu cụ thể các thách thức và nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong quá trình này, USAID đang hỗ trợ CIEM nhằm thực thi tốt Nghị quyết với sự tham gia một cách hiệu quả và ý nghĩa của các thành phần kinh tế. Đặc biệt Thông qua Dự án Quản trị nhằm tăng trưởng toàn diện, Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ hỗ trợ các tham vấn và các kết nối, các kênh đối tác giữa cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
“Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cho hai năm 2014 - 2015 là đạt được các tiêu chuẩn tương đương với các nước ASEAN6 trong “Sáu chỉ số hoạt động kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới. Các chỉ số này rõ ràng tạo ra các cột mốc đo lường các hoạt đồng gồm cấp giấy phép kinh doanh, nộp thuế, thực hiện thủ tục hải quan, tiếp cận hệ thống điện, bảo hộ các nhà đầu tư, tiếp cận tín dụng và làm thủ tục phá sảntrưởn”, đại diện USAID tại Việt Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, đại diện Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ cũng cho biết: Trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác phát triển quốc gia cho Việt Nam giai đoạn 2014-2018 của USAID, dự án Quản trị nhằm tăng trưởng toàn diện đang hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp tư nhân để giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững, toàn diện và quản lý nhà nước có trách nhiệm giải trình hơn đối với người dân.
Để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam, lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất: Việt Nam cần nhanh chóng rà soát các thủ tục hành chính theo 11 chỉ số của Doing Business (bộ chỉ số về môi trường kinh doanh theo quy chuẩn quốc tế). Sau đó, các bộ ngành liên quan đều phải có trách nhiệm: Bộ Kế hoạch & Đầu tư chịu trách nhiệm 2 chỉ số Khởi sự kinh doanh và Bảo vệ nhà đầu tư. Bộ Tài chính phải giảm được 7 ngày so với hiện nay về thời gian hoàn thành thủ tục thông quan XK và NK, đồng thời giảm thời gian nộp thuế của DN xuống bằng mức trung bình của ASEAN6 là 171 giờ/năm. Bộ Công Thương và EVN giảm thời gian tiếp cận điện xuống còn tối đa 70 ngày (hiện là 115 ngày, trong khi trung bình ASEAN6 là 50,3 ngày). Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm giảm thời gian, thủ tục và chi phí giải quyết tranh chấp hợp đồng; giảm thời gian giải quyết thủ tục phá sản xuống còn 30 tháng (nay đang là 60 tháng). |