Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái trong đại dịch Covid-19

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, chất lượng dân số trên địa bàn Hà Nội từng bước được nâng cao. TP phê duyệt và triển khai thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình, kế hoạch, hoạt động mô hình về nâng cao chất lượng dân số ở 30/30 quận, huyện, thị xã; 579/579 xã, phường, thị trấn đã mang lại kết quả rõ rệt. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hà Nội đã có nhiều hành động, chính sách quan tâm tới phụ nữ và trẻ em gái.

Xóa bỏ khoảng cách, quan tâm đặc biệt tới phụ nữ và trẻ em gái
Hà Nội là TP đông dân thứ hai của cả nước và cũng có mật độ dân số cao thứ 2 trong 63 tỉnh/TP trực thuộc Trung ương. Toàn TP đã đạt mức sinh thay thế (số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ TFR: 2,1 con, tỷ suất sinh thô giảm hàng năm, tuy nhiên chưa bền vững, đặc biệt mức sinh ở 18 huyện/thị còn cao). 
Chi Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội cho biết, năm 2020, công tác DS-KHHGĐ Hà Nội đã đạt và vượt các chỉ tiêu Kế hoạch của TP đề ra, tạo cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu Kế hoạch giai đoạn 5 năm (2016 - 2020). Số sinh toàn TP năm 2020 là 121.639 trẻ, tỷ suất sinh đạt 14,75‰ giảm 0,25‰ so với năm 2019 (vượt chỉ tiêu giao). Số sinh con thứ 3 trở lên là 8.382 trẻ, đạt tỷ lệ 6,89% tăng 0,39% so với năm 2019. Tỷ số giới tính khi sinh là 113 trẻ trai/100 trẻ gái.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid -19 nhưng công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm vẫn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số sinh là 46.727 trẻ (giảm 1.948 trẻ so với cùng kỳ). Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 3.476 trẻ (giảm 207 trẻ so với cùng kỳ). Tỷ số giới tính khi sinh 113,3 con trai/100 con gái. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 83,88%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh là 84,85%. Số người mới áp dụng biện pháp tránh thai là 399.170 người (đạt 105,1%).
 Nỗ lực chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Mai Hạnh
Ngày Dân số thế giới năm nay, Tổ chức Dân số thế giới (UNFPA) kêu gọi hãy hành động để xóa bỏ những khoảng cách trong các dịch vụ chăm sóc SKSS nhằm bảo vệ sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành. UNFPA kêu gọi ưu tiên SKSS và quyền sinh sản cho mọi người thông qua việc tiếp cận thông tin và dịch vụ trước sự thay đổi về mức sinh và nhân khẩu học. Trong đại dịch, những gián đoạn trong cung cấp dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản lại càng trở nên trầm trọng hơn khi các dịch vụ này bị coi là không thiết yếu. Có những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng đại dịch có thể bị lợi dụng như một cái cớ để hạn chế hoặc từ chối tạo điều kiện cho việc ra quyết định, quyền tự chủ, tự do đi lại, hoặc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái. Phụ nữ phải được trao quyền về giáo dục, kinh tế và chính trị để tự đưa ra những lựa chọn liên quan đến cơ thể mình và mong muốn sinh con của bản thân.
Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong năm 2021, Hà Nội phấn đấu giảm tỷ suất sinh thô 0,1% so với năm 2020, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 0,1% so với năm 2020. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ tăng thêm 2%. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh 81%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 85%, duy trì tỷ số giới tính khi sinh đạt không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái.
Chi cục trưởng Chi Cục DS - KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy
Liên quan đến vấn đề này, Chi cục trưởng Chi Cục DS - KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, tại Hà Nội, phụ nữ và trẻ em gái luôn được quan tâm đặc biệt. Hàng năm, 30/30 quận, huyện, thị xã tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Các địa phương tuyên truyền, tư vấn, vận động chị em phụ nữ thực hiện các biện pháp tránh thai, thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Nhiều địa phương duy trì và phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xảy ra, Hà Nội duy trì truyền thông, tư vấn chăm sóc SKSS /KHHGĐ, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, các biện pháp tránh thai… cho phụ nữ thông qua các kênh truyền thông, đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho phụ nữ. Ngoài ra, hiện nay tại Hà Nội nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng tại các địa bàn trên toàn TP như mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình can thiệp truyền thông chăm sóc SKSS/KHHGĐ tới vùng dân cư đặc thù; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân và mô hình chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên…
Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ TP đã phối hợp với Hội khhgđ để tổ chức các buổi truyền thông kiến thức SKSS/KHHGĐ cho các đối tượng là phụ nữ quanh tuổi mãn kinh, nam giới, vị thành niên thanh niên,.. Chi cục phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/ KHHGĐ và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên thanh niên,…. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với Hội LHPN, LĐLĐ để truyền thông chính sách DS - KHHGĐ, kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ, bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ …
Hiện tại, Hà Nội tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số, nâng cao chất lượng dân số. TP quyết tâm đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý, góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.
Nâng cao chất lượng dân số trong đại dịch
Đề cập tới vấn đề này, ông Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cho rằng, dù Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nước ta, nhưng hoạt động chăm sóc SKSS, KHHGĐ như: Khám thai định kỳ, khám sàng lọc trước sinh, sau sinh, cung cấp các biện pháp tránh thai, điều trị bệnh phụ khoa... tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân đều hoạt động bình thường.
Thời gian qua, công tác dân số của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 - 2009 (1,18%/năm).
Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 6,39 năm 1960 xuống 2,33 con năm 1999, đến 2019 là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế.
Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con ở Việt Nam là phổ biến. Tỷ số giới tính của dân số là 99,1 nam/100 nữ. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi. Trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71, nữ giới là 76,3 tuổi.
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi đều giảm mạnh trong vòng hai thập kỷ qua. Tỷ số tử vong mẹ là 46 ca trên 100.000 trẻ sinh sống, giảm 23 ca so với năm 2009.
Kết quả này cho thấy, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu về giảm tỷ số tử vong mẹ sớm hơn so với kế hoạch đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 (45 ca/100.000 trẻ sinh sống đến năm 2030)
Tuy nhiên, công tác DS- KHHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế đó là những vấn đề như: Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng. Tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Di cư diễn ra với cường độ mạnh trên phạm vi cả nước. Chất lượng dân số còn hạn chế. Tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ rất nhanh, chiếm 7,7%.
Mặc dù Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tốc độ già hóa đang tăng nhanh. Điều này đòi hỏi nước ta vừa phải đồng thời thực hiện các chính sách để thích ứng với già hóa dân số, vừa tranh thủ tận dụng nguồn nhân lực vàng cho phát triển kinh tế, tạo bứt phá để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Theo UNFPA, đại dịch Covid-19 có thể có những tác động lâu dài đối với vấn đề dân số. Với một số người, đại dịch đã dẫn đến quyết định trì hoãn việc có con. Điều đáng lo ngại là khi phụ nữ không thể thực hiện được quyền sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Đặc biệt, Covid-19 đã làm lộ rõ sự bất bình đẳng và sự yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe của một quốc gia và giữa các quốc gia. Khủng hoảng này đã làm cho nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải phải thu hẹp các dịch vụ SKSS &, vốn vẫn thường bị coi là không thiết yếu.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, UNFPA tiếp tục kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần đưa ra các giải pháp, trong đó có giải pháp “Hãy cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái”. Các quốc gia nâng cao nhận thức và hành động về những vấn đề quan trọng và cấp bách đối với dân số toàn cầu trong và sau đại dịch Covid-19 với một trong những trọng tâm lớn nhất là vấn đề sức khỏe và quyền sinh sản của mỗi người. Trước những khó khăn và xáo trộn thời dịch bệnh, UNFPA kêu gọi các quốc gia cùng hành động để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mọi người dân trên thế giới. Đội ngũ nhân viên y tế cần được trang bị đầy đủ các phương pháp bảo hộ để có thể hỗ trợ những phụ nữ đang mang thai một cách tận tình, hiệu quả. Việc duy trì những cơ sở khám thai và các dịch vụ hỗ trợ sinh sản có thể giúp giảm thiểu tình trạng tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em.