Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực "chặn" ông Trump làm Tổng thống khó thành

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp lực phải chọn lựa ra người thích hợp hơn ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ đang ngày một lớn lên khi các đại cử tri sẽ chính thức bỏ phiếu vào hôm 19/12.

Khó lật ngược thế cờ
Đại cử tri Carole Joyce của đảng Cộng hòa tại bang Arizona cho biết, cô đã nhận được các email và các cuộc điện thoại từ các cử tri, thể hiện sự lo lắng về tính khí bốc đồng của ông Trump sẽ đưa nước Mỹ vào các cuộc tranh cãi nếu trở thành Tổng thống.
“Điều này cũng có phần ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu của tôi vào ngày 19/12 tới. Nhưng tôi đã cam kết bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng hòa. Đó là vấn đề”, nữ đại cử tri đảng Cộng hòa nói.
Nhiều người muốn ngăn ông Trump thành Tổng thống.
Vai trò của đại cử tri đã trở nên nặng nề trong bối cảnh ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trước ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton nhưng “thua đậm” về lượng phiếu bầu phổ thông. Theo số liệu kiểm phiếu mới nhất, bà Clinton hơn ông Trump gần 3 triệu phiếu phổ thông. Ông Trump chiến thắng nhờ sự ủng hộ của đại cử tri - những người thực sự quyết định ai mới là Tổng thống Mỹ tiếp theo.
Điều này đã trở thành áp lực đối với các đại cử tri khi hàng nghìn người mong muốn cử tri đoàn “chặn đứng” ông Trump vào cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 19/12.
Hồi tháng trước, chiến lược gia Hersch, 60 tuổi tại bang Chicago đã gia nhập một nhóm có tên là các đại cử tri Hamilton, nhằm liên kết với các đại cử tri và thuyết phục họ thay đổi ý kiến bỏ phiếu cho ông trùm bất động sản.
Theo kế hoạch, để ông Trump không trở thành Tổng thống Mỹ, nhóm này phải tìm đủ 37 đại cử tri đảng Cộng Hòa sẵn sàng bỏ phiếu cho ứng viên khác, khi đó, quyền quyết định ai là Tổng thống sẽ thuộc về Hạ viện.
Tuy nhiên, lịch sử cuộc bầu cử Mỹ cho thấy, chỉ có 9 đại cử tri từng thay đổi ý kiến. Nhưng ngay cả khi trường hợp có đủ số đại cử tri đối ý, Quốc hội, đang do đảng Cộng hòa chiếm đa số kiểm soát, vẫn sẽ nhanh chóng ủng hộ ứng viên của mình.
Hệ thống bầu cử đại cử tri đã lỗi thời?
Trong lịch sử bầu cử Mỹ, đã từng có các ứng viên Tổng thống giành được nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng vẫn không thể trở thành Tổng thống do thua ở lượng phiếu đại cử tri. Gần đây nhất là trong cuộc bầu cử năm 2000, ông George W.Bush chiến thắng mặc dù ông Al Gore có hơn 500.000 phiếu phổ thông.
Câu hỏi về tính hợp lý của hệ thống cử tri đoàn đã một lần nữa được đặt ra khi bà Clinton hơn ông Trump gần 3 triệu phiếu bầu phổ thông, cũng là lượng chênh lệch lớn nhất trong suốt 10 kỳ Tổng thống.
Về nguồn gốc, cách thức bầu cử dựa trên đại cử tri ra đời do ảnh hưởng từ thời kỳ sở hữu nô lệ ở Mỹ. Vào thời điểm đó, các bang ở miền Nam nước Mỹ có dân số đông hơn và chủ yếu là người da đen nhưng người da đen không có quyền bầu cử. Do vậy, Tổng thống thứ 4 của Mỹ James Madison đã đề xuất hệ thống bầu cử thông qua cử tri đoàn. Mỗi bang được ấn định số phiếu đại cử tri nhất định, tương đương với quy mô dân số của bang đó. Theo đó, mỗi nô lệ da đen được tính bằng 3/5 người da trắng trong thống kê quy mô dân số của mỗi bang.
Chính vì vậy mà hệ thống bầu cử cử tri đoàn hiện nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi. "Cá nhân tôi cho rằng, hệ thống đại cử tri phải bị xóa bỏ hoàn toàn. Tôi nghĩ nó là một khuyết tật lịch sử", David Boies, luật sư đại diện cho ứng viên Gore trong vụ kiện tụng yêu cầu kiểm phiếu lại ở bang Florida năm 2000, nói.
“Đây hoàn toàn không phải là tạo điều kiện cho người da đen bầu cử”, GS Paul Finkelman tại Đại học Saskatchewan ở Canada nhận định, đồng thời cho rằng, quy ước 3/5 là vô đạo đức.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, kết quả cuộc bầu cử thường nghiêng về ứng viên đã được dự tính trước. Điều này không khuyến khích việc cử tri đi bỏ phiếu, không khuyến khích các ứng cử viên đến vận động tại các bang mà họ nắm chắc phần thắng trong tay.