Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực hạn chế tác động tiêu cực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định TPP sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm 2013. Với 19 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên giữa kỳ, hơn 20 nhóm đàm phán về gần 30 vấn đề, đến thời điểm này, TPP đã đạt được một số thỏa thuận sơ bộ: Hợp tác và xây dựng năng lực, DN vừa và nhỏ, gắn kết môi trường chính sách, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng…

Tới đây vẫn còn gần 20 lĩnh vực tiếp tục được đàm phán, như mở cửa thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, cung cấp dịch vụ qua biên giới, sở hữu trí tuệ…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ cho biết, những cơ hội cho Việt Nam nếu đàm phán TPP thành công là rất lớn. Nhưng, nếu không biết cách tận dụng, những cơ hội đó rất dễ biến thành thách thức, mà đáng kể nhất là Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh và tác động xã hội mạnh mẽ, sức ép về điều chỉnh hệ thống pháp luật, và thách thức về tư duy - năng lực quản lý. 

"TPP đòi hỏi sự tham gia rất sâu không chỉ của DN mà của cả các cơ quan quản lý, nên điều bắt buộc là tư duy quản lý trong nước phải thay đổi ngay. Sự thay đổi theo hướng nhà quản lý cần coi DN là bạn. Năng lực quản lý của Việt Nam cũng cần có lộ trình để từng bước nâng cao, nên trong quá trình đàm phán, chúng tôi sẽ cố gắng thiết kế để có thời gian cho quá trình này" - ông Trần Quốc Khánh khuyến cáo. 

Cũng theo ông Khánh, vào thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, đã có nhiều quan ngại rằng khi DN Việt Nam còn yếu kém thì "thuyền thúng khó ra được biển lớn". Tuy nhiên, thực tế đến nay, xét về những tác động của riêng WTO, kinh tế Việt Nam thực sự chưa bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nào. "Do đó với TPP, tin rằng Việt Nam một lần nữa vượt qua thách thức, và đoàn đàm phán sẽ tích cực tác động để những thách thức đến từ từ, giúp DN thích nghi. Tất nhiên, sẽ có một số lĩnh vực rất khó khăn, đòi hỏi nỗ lực lớn từ cộng đồng DN" - ông Khánh nhấn mạnh. 

Ông Lê Tiến Trường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các DN nên tích cực trao đổi, cung cấp thông tin đầu vào cho đoàn đàm phán và nhóm công tác của ngành, nắm được diễn biến đàm phán, quyền lợi và nghĩa vụ của DN khi thực hiện TPP, FTA... Đồng thời, DN cần cân đối được chiến lược nguồn nguyên liệu, liên kết chuỗi, đầu tư phát triển cho phù hợp xu hướng chung trong các hiệp định; củng cố cơ sở dữ liệu và lưu trữ hồ sơ chứng từ để phục vụ việc thực thi TPP.