Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực nhiều biện pháp “khơi thông” hàng tồn kho công nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 1/10 tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết: Lượng tồn kho của nhiều sản phẩm công nghiệp đến thời điểm này vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái, trong đó chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ.

Những ngành có tồn kho cao tập trung ở nhóm sản xuất vật liệu xây dựng như: Sản xuất xi măng, sắt, thép, gang (tăng trên 40%); sản xuất thức ăn gia súc và thuỷ sản, may trang phục, phân bón và hợp chất nitơ, sản phẩm khác từ plastic, pin ắc quy, dây điện và cáp điện, mô tô xe máy, sản xuất xe có động cơ... tăng trên 20%. Một số ngành như dệt may, giầy dép... hoạt động cầm chừng do thiếu những đơn hàng lớn, ngành giấy, ngành nhựa... tiêu thụ sản phẩm giảm.

 
Nỗ lực nhiều biện pháp “khơi thông” hàng tồn kho công nghiệp - Ảnh 1
Doanh nghiệp sản xuất sẽ ký kết thỏa thuận mua bán sử dụng sản phẩm của nhau để giải quyết tồn kho. Ảnh: Linh Chi
 

Nguyên nhân trực tiếp được lý giải là nhu cầu trong và ngoài nước suy giảm do những khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, thị trường bị thu hẹp gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ như: sản phẩm điện tử dân dụng, linh kiện điện tử, sản xuất đường, mì ống, mì sợi, thiết bị dẫn điện... Trong số 39 nhóm sản xuất thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, có một số mặt hàng sản xuất tăng cao đã phần nào hỗ trợ cho sự suy giảm của nhóm, tập trung ở nhóm công nghiệp cơ khí như: sản xuất thiết bị điện, đóng tàu và cấu kiện nổi, sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và linh kiện điện tử.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh thời gian 3 tháng còn lại của năm, cần tiếp tục thực hiện và có thêm các chính sách hỗ trợ nhằm kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho, khẩn trương thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm khai thông thị trường thúc đẩy sản xuất phát triển.

Dự báo chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2012 sẽ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Để hoàn thành kế hoạch đã đề ra, Bộ Công Thương vừa chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất tăng cường tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất, giảm tồn kho sản phẩm. Bên cạnh đó, cần thực hiện sâu rộng hơn nữa Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhằm giảm nhập khẩu, khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước, kích thích sản xuất phát triển.

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tích cực phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất điện nhằm đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng điện những tháng cuối năm. Ngoài ra, doanh nghiệp cần triển khai chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, mà trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thực hiện Đề án tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho các DN và hỗ trợ thị trường, Bộ Công Thương vừa giao Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn, đơn vị khẩn trương giải quyết khó khăn về hàng tồn kho, giao Cục Công nghiệp địa phương làm việc với sở công thương các tỉnh phái Bắc, ĐBSCL và Đông Nam Bộ, sắp tới làm việc với các sở ở phía Tây Nguyên, để trực tiếp lắng nghe tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt ngay trong tháng 10 này Bộ sẽ tổ chức ký kết thỏa ước sử dụng sản phẩm của nhau giữa các doanh nghiệp trong ngành để giải quyết hàng tồn kho. - (Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải)