TS Đỗ Ngọc Sơn - Phó Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai là người có mặt sớm tại Đà Nẵng để tham gia vào hội chẩn, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng. Trao đổi với phóng viên, TS Đỗ Ngọc Sơn nói: “Chúng tôi đã nỗ lực từng phút, từng giây..”
Thưa bác sĩ, là người trực tiếp tham gia điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng và tham gia hội chẩn với các GS đầu ngành về hồi sức tích cực, ông có thể nói gì về những ca bệnh nặng và không qua khỏi?
- Trước tiên, cho phép tôi xin được gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến các gia đình có người thân mất do bệnh Covid-19. Dịch Covid-19 xảy ra tại Đà Nẵng cho đến nay có xu hướng lên đỉnh dịch và giảm đi số ca mắc trong cộng đồng. Số bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các trung tâm chuyên về điều trị Covid-19 như Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Trung tâm y tế Hòa Vang.
Những bệnh nhân nặng này đều là các ca nhiễm trên nền bệnh lý rất nặng, phần lớn người bệnh đều mắc bệnh thận giai đoạn cuối, suy thận hoặc chạy thận nhân tạo chu kỳ và các bệnh lý khác như suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì.
TS Đỗ Ngọc Sơn-Phó Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, là người có mặt sớm tại Đà Nẵng để tham gia vào hội chẩn, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng. |
Đối với những bệnh nhân này, việc nhiễm Covid-19 đã làm tổn thương tạng tăng lên vì trước đó bản thân họ có những tổn thương. Khi không may mắc Covid-19 đã làm các tổn thương đó nặng hơn. Trong chuyên môn, chúng tôi gọi đó là tình trạng cơn bão cytokine, một phản ứng miễn dịch cấp tính gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng suy đa phủ tạng sẽ nặng hơn khi người bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đó là những lý do vì sao khi chúng ta điều trị các ca bệnh trên nền bệnh nhân mắc các bệnh lý nặng sẽ rất khó khăn. Vì chúng tôi không chỉ điều trị riêng Covid-19 mà còn phải điều trị cả các bệnh lý nền trước đó của bệnh nhân, như bệnh thận giai đoạn cuối, ung thư, suy giảm miễn dịch.
Đặc biệt đối với những bệnh nhân suy đa tạng, cần sự hỗ trợ rất nhiều của các kỹ thuật hồi sức thậm chí nhiều người trong đó đã phải làm ECMO (tim, phổi nhân tạo) là kỹ thuật cao cấp để duy trì chức năng tuần hoàn và hô hấp cho người bệnh.
Do suy đa tạng như vậy nên quá trình hồi sức tích cực không chỉ hồi sức một bộ phận trong cơ thể mà phải hồi sức liên tục nhiều bộ phận trên cùng một cơ thể. Ví dụ, bệnh nhân phải hồi sức thận, tim phải lọc máu liên tục để duy trì cân bằng của cơ thể.
Trên bệnh lý nền nhiều như vậy cộng thêm yếu tố khác như nhiễm trùng sẽ đẩy bệnh nhân vào tình trạng tiếp tục suy các cơ quan tạng và thậm chí có những cơ quan không thể hồi phục được vì nó đã ở giai đoạn cuối.
Như những bệnh nhân thận nhân tạo giai đoạn cuối, chức năng thận sẽ không thể hồi phục được và nếu các bệnh đó tiếp tục có các biến chứng nặng hơn của tình trạng tim mạch, hô hấp liên quan đến những tiến triển của bệnh nền thì đó là một điều vô cùng khó để chúng ta có thể giữ được sự sống của bệnh nhân.
Bệnh nhân tử vong là rất đáng tiếc, dù ngành y tế đã nỗ lực tối đa, huy động lực lượng bác sĩ đầu ngành liên tục tiến hành hội chẩn quốc gia. Bác sĩ có thể chia sẻ quá trình điều trị?
- Trong đoàn công tác của Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng có rất nhiều chuyên gia về ECMO, thận nhân tạo, điều trị sốc, điều trị bệnh truyền nhiễm và các bệnh nhiễm trùng khác.
Ngoài ra, còn có các chuyên gia đầu ngành về tim mạch, đái tháo đường, thận. Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, thường xuyên tham gia chỉ đạo trực tiếp. Tất cả chúng tôi đã cũng chung tay để đưa ra các hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Bệnh nhân thường xuyên được hội chẩn bởi hội đồng các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và được sự chỉ đạo hết sức sát sao của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Quốc gia.
Với tư cách là những bác sĩ điều trị, chúng tôi tham gia hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng nhất. Không những thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng chuyên môn, của các thầy, mà tất cả các bác sĩ còn tham gia vào tất cả quá trình điều trị của bệnh nhân. Chúng tôi đã nỗ lực từng giờ, từng phút, từng giây để tìm cơ hội cứu sống bệnh nhân. Chúng tôi đã cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất cho người bệnh.
Các bệnh nhân Covid-19 nặng đều có điểm chung là khởi phát từ những khoa có bệnh rất nặng như khoa thận nhân tạo, hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đà Nẵng…?
- Như tôi đã nói ở trên, khi người bệnh đã có một bệnh lý nền nặng nay nhiễm virus, thì cơ thể sẽ có phản ứng rất mạnh lại với virus không chỉ Covid-19 mà kể cả cúm hay các virus thông thường đều tạo điều kiện xâm nhập cơ thể.
Đó là lí do tại sao chúng ta phải có phương pháp điều trị hoặc cách tiếp cận có hệ thống khi mà bệnh nhân có bệnh nền có thêm những đợt cấp tính do nhiễm virus. Vì vậy, mà các bác sĩ hồi sức và bác sĩ chuyên ngành khác đến từ các bệnh viện lớn nhất, tuyến cuối như Bạch Mai, Chợ Rẫy đang có mặt ở đây.
Đến thời điểm hiện nay chúng ta còn tiên lượng những bệnh nhân nặng như thế nào?
Hiện nay chúng ta còn một số các ca bệnh nhân nặng đang được điều trị, và có cả những ca tiên lượng rất xấu. Các bác sĩ đang tập trung toàn tâm, toàn lực và có những trang thiết bị tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân. Chúng tôi hy vọng sẽ có các tín hiệu vui của một số bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị.
Tuy nhiên trên nhóm bệnh nhân có nhiều bệnh nặng, bệnh nền thì rõ ràng việc tìm cơ hội cho những bệnh nhân đó sẽ khó khăn hơn gấp hàng trăm, nghìn lần so với các bệnh nhân có tổn thương nhẹ.
Xin cảm ơn ông!