Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nở rộ hợp tác đầu tư phát triển dự án

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đẩy nhanh tiến độ tung sản phẩm ra thị trường, các chủ đầu  tư đã và đang có...

Kinhtedothi - Để đẩy nhanh tiến độ tung sản phẩm ra thị trường, các chủ đầu  tư đã và đang có xu hướng liên kết, hợp tác đầu tư kinh doanh sản phẩm BĐS với các đối tác có tiềm lực tài chính mạnh. Đây được coi là biện pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều thương vụ lớn

Thời gian vừa qua, thị trường ghi nhận hàng loạt hoạt động hợp tác chiến lược, đầu tư phát triển dự án giữa chủ đầu tư với nhiều đối tác nhà thầu, ngân hàng, nhà phân phối… Thậm chí, thị trường còn chứng kiến rất nhiều cái "bắt tay" của những "ông lớn" trong lĩnh vực BĐS. Điển hình như, CEN Invest, Nam Cường và Hệ thống phân phối siêu thị dự án STDA đã ký kết hợp tác đầu tư, xây dựng và kinh doanh 3 tòa H, J, K thuộc cụm CT7, Khu đô thị mới Dương Nội (Tố Hữu, Hà Đông) với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. Theo ông Phạm Thanh Hưng - Chủ tịch HĐQT CEN Invest, việc hợp tác này sẽ hạn chế các vấn đề rủi ro của dự án nhờ tài chính được thu xếp và ràng buộc trách nhiệm luôn ở mức cao. Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Thăng Long -  chủ đầu tư Sun Square (21 Lê Đức Thọ) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với sàn BĐS Atlantic Việt Nam làm nhà phân phối, Sông Đà 1 là nhà thầu thi công và HDBank là đối tác cung cấp vốn.

Ngoài ra, thị trường đã ghi nhận nhiều thương vụ hợp tác khác như Việt Hân với TNR Holdings Việt Nam, Coteccons và Maritime Bank trong dự án Goldmark City; Liên minh G5 với BIM Group tại Dự án Little Việt Nam; Savills Việt Nam với Vingroup tại Dự án Vinhomes Riverside Long Biên…

Tiềm ẩn nguy cơ

Theo các chuyên gia BĐS, động thái liên kết hợp tác chiến lược này khá tốt, giúp tạo nguồn lực vốn mạnh, thúc đẩy tiến độ dự án, đồng thời đem lại lợi nhuận cho các bên tham gia. Đặc biệt với dự án dở dang, đây chính là liều thuốc "doping" hữu hiệu để tái khởi động lại. Ở một góc độ khác, các bên tham gia trong liên kết, bên cạnh lợi nhuận sẽ có những ràng buộc rất chặt chẽ về nguồn vốn rót, tiến độ, chất lượng sản phẩm, chỉ tiêu bán hàng… Do đó, các bên tự giám sát, thúc đẩy nhiệm vụ hoạt động lẫn nhau. Dòng tiền sử dụng đúng mục đích. Dự án bảo đảm tiến độ. Cuối cùng, người mua nhà được hưởng sản phẩm tốt, chất lượng.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cho rằng, không phải dự án nào cũng được lựa chọn thực hiện liên kết này. Thường các dự án có tính thanh khoản cao, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, chất lượng tốt, thiết kế đáp ứng đúng nhu cầu thị trường cần. Nhất là các dự án có khả năng đi vào sử dụng ngay luôn được các nhà đầu tư săn đón để hợp tác phát triển.

 
Xu hướng hợp tác phát triển dự án đang được nhiều chủ đầu tư lựa chọn. Ảnh; Tuấn Anh
Xu hướng hợp tác phát triển dự án đang được nhiều chủ đầu tư lựa chọn. Ảnh; Tuấn Anh
Thậm chí, hiện nay, các nhà đầu tư còn tiến hành hợp tác ở mức độ sâu hơn, nghĩa là không chỉ dừng ở chịu trách nhiệm về thu xếp tài chính, nguồn vốn cho dự án mà còn tham gia, can thiệp vào thi công, thiết kế, kinh doanh, vận hành, tạo ra những dòng sản phẩm riêng thích ứng với thị hiếu khách hàng hiện nay.

Thực tế, nguồn cung BĐS trên thị trường hiện không nhiều, nếu không kịp thời bổ sung, đến cuối năm 2015 đầu năm 2016, có thể xảy ra tình trạng khan hàng. Do đó, xu hướng liên kết các bên để đẩy mạnh phát triển dự án, ra hàng đón đầu cơ hội sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Song, các chuyên gia cũng cảnh báo, bản chất của hoạt động liên kết là chia sẻ, gia tăng lợi nhuận, nhất là mối liên kết giữa sàn, đơn vị phân phối với chủ đầu tư. Đơn vị sàn, phân phối có tiềm lực tài chính, cam kết bán giá dự án cao hơn, đem lại nguồn lực lớn hơn cho chủ đầu tư vô hình chung sẽ đẩy giá sản phẩm lên, người mua phải chịu giá ảo. Thị trường BĐS sẽ lại rơi vào tình trạng không minh bạch.