Trong văn bản này, Bộ Tài chính chỉ rõ, một trong những lý do khiến quá trình CPH diễn ra chậm, là không ít DN sau khi xử lý tài chính và xác định lại giá trị DN theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ - CP thì giá trị thực tế của DN thấp hơn các khoản nợ phải trả, trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể cho xử lý những trường hợp này. Chính vì thế, tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn tái cơ cấu DN 100% vốn Nhà nước để chuyển thành công ty CP, phương án tái cơ cấu DNNN được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu, DN với Công ty Mua bán nợ (DATC) hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu. DATC được quyền chủ động đàm phán mua nợ và đề xuất phương án tái cơ cấu DN. Việc mua nợ để tái cơ cấu DN phải đảm bảo có tính khả thi, có khả năng thu hồi vốn...
Sau cổ phần hóa, nhiều công ty đã không ngừng lớn mạnh. Trong ảnh: Tại phân xưởng của Công ty CP Hóa dầu Dầu khí Vidamo. Ảnh: Lã Anh
Ông Nguyễn Duy Long - Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và phát triển DN, Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết, thực ra với những trường hợp DN sau khi xử lý tài chính và xác định lại giá trị DN theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ - CP mà giá trị thực tế của DN thấp hơn các khoản nợ phải trả của DN đã được ban chỉ đạo CPH, cũng như các đơn vị liên quan xử lý. Tuy nhiên, cách giải quyết ở mỗi bộ, tập đoàn, tổng công ty không giống nhau, nên Dự thảo Thông tư mới nhằm thống nhất quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện.
Có hướng giải quyết cổ phần không bán hết
Để tạo cơ chế thông thoáng hơn cho CPH, điểm đáng chú ý trong Dự thảo là DATC được chuyển nợ thành vốn góp CP theo tỷ lệ 1:1 (10.000 đồng nợ bằng 10.000 đồng vốn góp, tương đương 1 CP theo mệnh giá). Các chủ nợ khác thực hiện chuyển nợ thành vốn góp theo tỷ lệ thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu và DN tái cơ cấu.
Tình trạng bế tắc trong xử lý số CP không bán hết cũng đang là một trong những tồn tại khiến làm chậm quá trình CPH tại nhiều DN. Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Nghị định quy định, khi thực hiện chào bán công khai tiếp theo phương thức thỏa thuận đối với số CP không bán hết khi đấu giá, ban chỉ đạo CPH báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu/CPH xem xét, quyết định bán CP cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá và các nhà đầu tư khác theo thỏa thuận, với mức giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai. Trường hợp vẫn không bán hết, Ban Chỉ đạo CPH xem xét, quyết định chào bán cho DATC và các chủ nợ theo nguyên tắc chuyển nợ thành vốn góp. Nếu DATC và các chủ nợ vẫn không mua hết số CP chào bán, ban chỉ đạo CPH báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu thực hiện điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ, để chuyển DN thành công ty CP trước khi tổ chức đại hội cổ đông lần đầu.
Dự thảo còn quy định chi tiết trách nhiệm của DN tái cơ cấu, DATC, các chủ nợ cũng như cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, nên sau nhiều lần lấy ý kiến, nhiều DN, cơ quan quản lý có chung đánh giá, khi quy định mới có hiệu lực, sẽ thúc đẩy quá trình CPH diên ra hiệu quả và nhanh hơn.