Điều này đặt ra lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính.
Báo cáo Theo dõi nợ toàn cầu của IIF nêu rõ, số nợ “khủng” chủ yếu do nợ nần gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi. Theo đó, gánh nặng nợ nần phân bổ không đều, trong khi một số quốc gia và lĩnh vực đã giảm nợ, một số khác lại gia tăng vay nợ lên mức rất cao. Nước góp nhiều nhất vào “núi nợ” này là Trung Quốc với 92.000 tỉ USD.
Ở nhóm tăng nợ, khối nợ phình to có thể tạo ra những trở ngại đối với tăng trưởng trong dài hạn và kết quả là đặt ra những rủi ro đối với sự ổn định tài chính, IIF cảnh báo. Cụ thể, theo số liệu mà IIF đưa ra, trong khi tốc độ tăng nợ ở các nền kinh tế phát triển đã giảm xuống, nợ của các nước mới nổi đã tăng 5% so với cách đây 1 năm. Trong đó, tổng nợ của các nước mới nổi, trừ Trung Quốc, đã tăng thêm khoảng 900 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 23.600 tỷ USD trong quý I, chủ yếu do nợ tăng ở Brazil và Ấn Độ.
Trong khi đó, Trung Quốc đang đối mặt rủi ro lớn do các hộ gia đình của nước này đẩy mạnh việc vay mượn. Tỷ lệ nợ của các hộ gia đình Trung Quốc so với GDP cũng đạt mức cao chưa từng có trên 45% trong 3 tháng đầu năm nay, cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 35% của các nước mới nổi, báo cáo của IIF cho hay.
Trong khi đó, nợ khu vực tư nhân ở Eurozone đang giảm đều, từ mức 103.400 tỷ USD trong quý I năm 2016 xuống còn 97.700 tỷ USD vào cùng kỳ năm nay.
Nhắc lại cuộc khủng hoảng tài chính 2008, GS Kinh tế chính trị quốc tế Erik Jones, Đại học Johns Hopkins lưu ý, cuộc khủng hoảng cách đây gần 10 năm cũng khởi nguồn từ mức vay nợ chồng chất của các hộ gia đình ở Mỹ.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Casrten Brzeski thuộc ngân hàng ING cho rằng, mức nợ cao đồng nghĩa với việc cuộc khủng hoảng nợ còn chưa được giải quyết xong, kể cả ở Mỹ hay ở Eurozone. Bên cạnh đó, mức nợ gia tăng ở châu Á và các nền kinh tế mới nổi khác cũng cho thấy chưa có sự tái cơ cấu cần thiết. “Tuy nhiên, tất cả những điều này không có nghĩa là chúng ta đang ở bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài chính nữa. Các biện pháp của các ngân hàng trung ương như lãi suất thấp đã và sẽ tiếp tục hạn chế rủi ro này”, ông Brzeski cho biết thêm.
Trong số các ngân hàng trung ương lớn, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang tỏ ra thận trọng về tương lai hơn cả. BoE đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ vốn như một biện pháp phòng ngừa trong trường hợp kinh tế giảm tốc. Hôm thứ Ba tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen cũng có phát biểu lạc quan về tình hình kinh tế toàn cầu. Theo bà, các ngân hàng hiện nay đã ở trong một trạng thái khỏe mạnh hơn rất nhiều và một cuộc khủng hoảng tài chính nữa là điều khó có thể xảy ra.