Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ xấu “níu” giá cổ phiếu ngân hàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nợ xấu tăng cao, lợi nhuận đi xuống, “đại án” Ngân hàng Xây dựng với những lỗ hổng trong kiểm soát hoạt động ngân hàng… là những nguyên nhân “níu chân” giá cổ phiếu ngân hàng.

Nợ xấu tăng cao

Báo cáo tài chính quý II vừa được các ngân hàng niêm yết công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2016, 9 ngân hàng trên sàn chứng khoán đang “ôm” hơn 40.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với cuối năm 2015. Nợ xấu đang có xu hướng quay trở lại, có ngân hàng nợ xấu tăng gấp đôi so với năm trước.

Cụ thể, tại BIDV, dù lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 3.311 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, quy mô nợ xấu theo giá trị tuyệt đối tăng khá nhanh (tăng 31% so với cuối 2015). Tổng nợ xấu đến 30/6/2016 đã tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, lên tới 13.183,84 tỷ đồng so với mức 10.053,68 tỷ đồng cuối năm 2015. Tại Vietcombank, nợ xấu cũng “phình” to, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 4.676 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo tài chính quý II,  Eximbank có tới 4.285 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 5,3% trên tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu đã vượt mốc 3%, mức mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thực hiện. Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ dưới chuẩn là 2.415 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng nợ xấu và tăng gấp 13 lần thời điểm đầu năm.
Khách hàng theo dõi thông tin chỉ số tại sàn SHS. Ảnh: Chiến Công
Khách hàng theo dõi thông tin chỉ số tại sàn SHS. Ảnh: Chiến Công
Tại SHB, nhiều hoạt động kinh doanh như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán, hoạt động góp vốn, mua cổ phần… lỗ hoặc kém khởi sắc, trong khi chi phí hoạt động tăng cao đã khiến lợi nhuận sau sau thuế hợp nhất quý II giảm 16% so với cùng kỳ.

Cổ phiếu ngân hàng đỏ sàn

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/8, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 5 chiếm tỷ lệ 2,78%. Xử lý nợ xấu vẫn là trọng tâm điều hành trong 6 tháng cuối năm nhằm kiểm soát nợ xấu xuống dưới 3%.

Dù NHNN khẳng định nợ xấu vẫn trong tỷ lệ cho phép, tuy nhiên, việc nợ xấu gia tăng, thậm chí tăng gấp 3 tại một số ngân hàng đã ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán tuần qua. Từ ngày 2 - 8/8, cổ phiếu CTG của VietinBank chỉ duy nhất một phiên tăng, còn lại giảm và đi ngang. Chốt phiên sáng 8/8, giá CTG ở mức 17.100 đồng/CP. Thời gian qua, cổ phiếu VCB của Vietcombank cũng giảm từ “đỉnh” 58.000 đồng/CP xuống 50.500 đồng/CP. Từ 2 - 7/8, VCB giảm từ 1.000 - 1.500 đồng/CP so với các phiên trước.

SHB cũng đang giao dịch ở mức giá thấp nhất kể từ đầu năm với 3 phiên liên tục giảm liên tiếp, về mức giá 5.300 đồng/CP chốt phiên sáng 8/8, giảm gần 300 đồng/CP. BID của BIDV tuần qua cũng đa số giảm, từ mức cao nhất là 17.600 đồng/CP xuống còn 16.700 đồng/CP.

Trên sàn TP Hồ Chí Minh (HoSE), trong 10 công ty có mức vốn hóa lớn nhất thị trường, khối ngân hàng chiếm tới 4 là VietinBank, Vietcombank, MB và Sacombank với tổng mức vốn hóa chiếm gần 15% giá trị vốn hóa thị trường. Các cổ phiếu vốn hóa lớn có ảnh hưởng chi phối đến chỉ số VN-Index nên tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán. Đơn cử, từ giữa tháng 7, cổ phiếu VCB mỗi phiên giảm hơn 1.000 - 2.000 đồng/CP khiến giá trị vốn hóa trên thị trường của Vietcombank giảm mạnh, chỉ còn 137.249 tỷ đồng đến cuối phiên sáng 8/8.

Kết thúc phiên sáng 8/8, trên sàn HoSE, ngoài VCB tăng, các mã ngân hàng khác là MBB, CTG, STB, EIB, BID đều đi ngang hoặc giảm. Tính chung thị trường những phiên đầu tháng 8, các chỉ số lần lượt giảm điểm qua các phiên giao dịch. VN-Index chính thức rơi xuống dưới ngưỡng 630 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần qua khi tâm lý thị trường đang xấu do giá dầu giảm mạnh tạo áp lực lên cổ phiếu năng lượng. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh thiếu khả quan của nhiều ngân hàng, nợ xấu tăng cao, đại án Ngân hàng Xây dựng đang xét xử… cũng khiến tâm lý thị trường thêm xấu, ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức vốn hóa lớn.