Nợ xấu vẫn ám ảnh chứng khoán

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho rằng các chỉ số tăng trưởng vĩ mô khởi sắc đã khiến thị trường chứng khoán (TTCK) đi lên với quy mô vốn hóa tăng hơn 50% GDP, nhưng nhiều chuyên gia vẫn đánh giá nên cẩn trọng trong các vấn đề chứng khoán.

Và nợ xấu vẫn là một nỗi lo lớn có thể chặn đà tăng của thị trường vốn này.

Thị trường sôi động

TTCK 6 tháng đầu năm 2017 đạt được nhiều kết quả tích cực. Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều có sự tăng trưởng vượt bậc. Đến đầu tháng 7, chỉ số VN-Index đã đạt mức đỉnh trong 9 năm trở lại đây, tăng khoảng 17% so với đầu năm, và HNX-Index tăng hơn 23%. Khối ngoại đã mua ròng kỷ lục với giá trị hơn 9.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, TTCK phái sinh sắp đi vào vận hành cũng mở ra một sản phẩm mới trên thị trường.

Nhà đầu tư tìm hiểu thông tin tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên nhân của sự khởi sắc này dựa trên nền tảng chính sách rõ ràng, kinh tế hội nhập sâu rộng. Trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký, không chỉ ký về thuế mà còn nhiều cam kết về mặt Nhà nước như bảo hộ, đầu tư, chống tham nhũng. Chính phủ cũng có những nỗ lực vượt bậc trong việc khuyến khích DN tư nhân, cải cách DN Nhà nước. 700 DN Nhà nước đã cổ phần hóa mà chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu lần lượt lên sàn. Khả năng vốn hóa sẽ tăng lên, sự hấp dẫn cũng tăng lên.

Lo nợ xấu ngân hàng

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đồng ý rằng, các chỉ số tăng trưởng vĩ mô khởi sắc đã khiến TTCK đi lên với quy mô vốn hóa tăng hơn 50% GDP, tương đương khoảng hơn 100 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, thị trường vẫn chưa ổn định, nếu khối ngoại rút ra thì sẽ có biến động mạnh. Cụ thể, những tuần gần đây, TTCK điều chỉnh giảm điểm khá sâu. Chỉ số VN-Index đã tăng rất mạnh từ mức 700 điểm lên tới mức kỷ lục 780 điểm, song sau đó lại điều chỉnh giảm rất mạnh tới 9 - 10 điểm mỗi phiên. VN-Index vẫn đang kháng cự quanh ngưỡng 770 - 780 điểm, rớt xuống gần ngưỡng hỗ trợ 760 điểm. Từ những phân tích này, ông Hiếu cho hay, các nhà đầu tư nên bình tĩnh, tỉnh táo.

Một trong những vấn đề khiến giới chuyên gia lo lắng là nợ xấu ngân hàng. Thực tế, tín dụng ngân hàng trước đây đã chảy rất mạnh vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… gây ra hệ lụy thị trường tăng trưởng “bong bóng”, nợ xấu rất lớn mà đến giờ vẫn khó xử lý. “600.000 tỷ đồng nợ xấu và có nguy cơ thành nợ xấu. Con số này tương đương với vốn chủ sở hữu của nhiều ngân hàng. Nếu chỉ 50% nợ xấu không thu hồi được thì vốn chủ sở hữu của các ngân hàng sẽ tụt hơn rất nhiều, xuống dưới mức an toàn” - ông Hiếu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá, tỷ lệ nợ xấu thực trong mức khoảng 10 - 12% vẫn còn nguy hiểm, chưa kể các ngân hàng yếu kém và sở hữu chéo.

Lạc quan hơn, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực xây dựng ở mức cao lên tới 17,5%, gấp 3 lần tín dụng 5,66%. “Bản chất tín dụng bất động sản đã thay đổi rất nhiều, dòng tiền vay chuyển từ chủ đầu tư sang những khách hàng, người tiêu dùng mua nhà ở. Nhờ đó, nguy cơ đổ vỡ tín dụng bất động sản được giảm rất nhiều và dàn đều rủi ro cho nhiều người, thay vì chỉ có một chủ đầu tư gánh khoản nợ xấu lớn. Nói cách khác, việc xử lý nợ xấu của các khách hàng cá nhân sẽ đơn giản hơn với ngân hàng, so với việc phải xử lý nợ xấu cả nghìn tỷ của DN” - ông Linh phân tích.

Quy mô tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang tăng trưởng quá nhanh, chiếm hơn 54% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế. Với mức tăng trưởng tín dụng trên 18%, cá nhân tôi thấy cũng bắt đầu nóng rồi. Điều này có thể nhìn thấy từ 3 yếu tố chính, gồm: Quy mô tín dụng tăng quá nhanh, mức tăng trưởng GDP trong khoảng 6,5% và phấn đấu lên 7% được đánh giá là khả thi; TTCK khởi sắc hơn hút mạnh dòng tiền. Câu hỏi đặt ra “liệu tín dụng ngân hàng có chảy ngược lại chứng khoán không?”. Thực tế, sự tăng trưởng của ngân hàng và chứng khoán có mối quan hệ khá chặt chẽ, song hiện được siết chặt kiểm soát. Tuy vậy, có lo ngại các ngân hàng đang cho vay margin với các công ty chứng khoán lớn và đây thực sự là rủi ro lớn, cần tiết giảm và liên quan tới quản trị rủi ro hệ thống.

TS Cấn Văn Lực - Giám đốc trường Đào tạo BIDV