Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nobel Hòa bình - Tiếp thêm sinh lực cho EU

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 12/10, sự kiện Liên minh châu Âu (EU) trở thành chủ nhân giải Nobel Hòa bình vì những "đóng góp cho tiến bộ của hòa bình và hòa giải, dân chủ và nhân quyền ở châu Âu" trong suốt 6 thập kỷ qua đã trở thành bất ngờ lớn nhất của mùa giải Nobel 2012.

Vượt qua 230 ứng cử viên nặng ký khác, EU được trao giải Nobel Hòa bình vì đã “chuyển đổi châu Âu từ một châu lục gồm các cuộc chiến tranh thành châu lục hòa bình”. Được thành lập từ tháng 5/1950, thông qua những nỗ lực xây dựng lòng tin song phương, EU đã hàn gắn mối quan hệ Đức - Pháp vốn bị đổ vỡ bởi 3 cuộc chiến trong vòng 70 năm, và biến hai nước này trở thành đối tác gần gũi nhất thế giới hiện nay. Ngoài ra, việc EU mở rộng cửa kết nạp Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp sau khi các chế độ độc tài ở những nước này sụp đổ vào thập niên 1970 được đánh giá cao. Hiện, nỗ lực hòa giải này đã tiến về khu vực vùng Balkan khi Croatia chuẩn bị gia nhập EU vào năm sau.
 
Nobel Hòa bình - Tiếp thêm sinh lực cho EU - Ảnh 1
EU được tôn vinh tại giải Nobel Hòa bình năm nay vì đã biến châu Á thành lục địa hòa bình

Đặc biệt, Ủy ban Nobel Na Uy đánh giá cao những nỗ lực của EU trong việc tái thiết kinh tế sau chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Mặc dù đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công, EU vẫn là thị trường chung lớn nhất thế giới khi cho phép hàng hóa, cư dân và đồng vốn của 27 nước thành viên được lưu thông tự do. Các nhà quan sát cho rằng, giải Nobel được trao cho EU lần này sẽ tiếp thêm sinh lực cho khu vực đang phải đối mặt với nguy cơ rạn nứt giữa phương Nam đang nợ nần và phương Bắc thịnh vượng nhưng buộc phải chìa bàn tay giúp đỡ.

Theo quyết định của Ủy ban trao giải, EU sẽ nhận giải thưởng 8 triệu kronor Thuỵ Điển (tương đương 1,2 triệu USD) vào ngày 10/12 tới. Nếu chia đều giải thưởng này cho toàn bộ dân số 27 nước thành viên, mỗi công dân của EU sẽ được nhận 0,19 Euro. 

Diễn ra trong một tuần ngắn ngủi nhưng mùa giải Nobel 2012 đã tiêu tốn nhiều giấy mực của các phương tiện truyền thông với những đồn đoán và bình luận rất khác nhau. Giải Nobel Y học 2012 đã thuộc về hai nhà khoa học Shinya Yamanaka (Đại học Kyoto, Nhật) và John Gurdon (Học viện Gurdon tại Cambridge, Anh) nhờ vào công trình nghiên cứu tái tạo tế bào gốc ở người trưởng thành. Trong khi giải Nobel Vật lý 2012 được trao cho nhà khoa học Serge Haroche (Pháp) và David Wineland (Mỹ) nhờ vào hai công trình nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý lượng tử. Đặc biệt, Mỹ đã "độc chiếm" giải Nobel Hóa học 2012 với công trình nghiên cứu về Thụ thể bắt cặp với protein G của hai nhà khoa học Robert Lefkowitz và Brian Kobilka. Sau khi Nobel Hòa bình và Văn học - hai giải thưởng gây nhiều tranh cãi nhất đã có chủ, mọi sự chú ý đều dồn về các ứng viên của giải Nobel Kinh tế sẽ được công bố vào ngày 15/10.