Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi ám ảnh của hồi môn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Của hồi môn là những món quà các bậc cha mẹ dành cho con cái để có chút vốn liếng làm ăn sau khi lập gia đình. Thế nhưng, với những cuộc hôn nhân không trọn vẹn, “của có sẵn” này đã trở thành nỗi ám ảnh.

Ôm hết!

Vợ chồng anh Nguyễn Minh Toàn và chị Ngô Như Quỳnh (Sa Đéc, Đồng Tháp) lấy nhau được ba tháng thì phát sinh mâu thuẫn, chị Quỳnh bỏ về nhà mẹ ruột ở. Hơn một năm không thấy chồng đoái hoài, chị Quỳnh nộp đơn xin ly hôn, đồng thời đòi lại số vàng mà mẹ chồng đang cất giữ.

Trước tòa, chị Quỳnh cho biết, trong lễ ăn hỏi, cha mẹ chồng và họ hàng nhà trai có cho chị tổng cộng 20 chỉ vàng. Ngày cưới, ba mẹ chị cũng cho con gái của hồi môn 15 chỉ vàng. Sau khi cưới, vợ chồng chị đã lấy 15 chỉ vàng đó nhờ mẹ chồng bán và gửi ngân hàng. Do chồng chị chưa có chứng minh nhân dân nên mẹ chồng đứng tên số tài sản trên. Thời gian chị còn ở nhà chồng, hàng tháng mẹ chồng có đưa tiền lãi tiết kiệm từ số tiền gửi trên cho vợ chồng chị. Nhưng, từ lúc chị về nhà mẹ ruột thì không còn nhận được tiền lãi tiết kiệm hàng tháng nữa. Chị yêu cầu mẹ chồng trả lại số vàng trên và tiền lãi tiết kiệm một năm qua cho chị.

Bác bỏ đòi hỏi của vợ, anh Toàn yêu cầu tòa xem xét “của nhà ai trả về nhà người nấy”, vì chị Quỳnh còn giữ số vàng cưới của cha mẹ anh cho. Theo Toàn, vợ chồng anh chung sống chưa lâu, ngoài tài sản chung đó, cả hai chưa tạo ra được gì. Tiền gửi ngân hàng, sau khi vợ bỏ đi anh đã rút ra mua lại vàng và đang cất giữ. Theo anh, tài sản nhà ai người đó hưởng hoặc phải chia đều vì tài sản là của cha mẹ hai bên cho chung hai vợ chồng. Chị Quỳnh khư khư cho rằng của hồi môn là của cha mẹ chị cho chị, không liên quan gì đến chồng: “Số tài sản này tôi được cho trước khi rước dâu nên không thuộc tài sản chung của hai vợ chồng”. Đã vậy, chị Quỳnh còn đòi “ẵm” luôn số vàng họ hàng nhà trai cho trong đám hỏi với lý lẽ “lúc cho tặng, các cô chú chỉ nói cho cô dâu”. Tuy nhiên, chị Quỳnh đã không cung cấp được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh 15 chỉ vàng hồi môn là tài sản cha mẹ chị cho riêng trước ngày theo chồng. Theo phong tục xưa nay, việc cha mẹ cho con cái tiền, vàng trong ngày cưới được xem là cho chung hai vợ chồng, là tài sản chung của hai vợ chồng. Vì vậy, tòa đã tuyên bố tài sản chia đôi.
Tranh chấp vì của hồi môn
Tranh chấp vì của hồi môn
Cho dễ, đòi khó

Đầu năm 2012, anh Nguyễn Văn Đoàn (Đông Hải, Bạc Liêu) kết hôn với chị Lê Thị Xuân là người cùng quê. Sống chung chưa được một tháng thì chị Xuân bỏ nhà đi, mang theo toàn bộ số vàng cưới và của hồi môn gồm 30 chỉ vàng. Đến lúc tìm được vợ, anh té ngửa khi biết chị mang số vàng cưới đó đến chung sống với một người đàn ông đã quen trước khi chị lấy anh. Không đòi lại vợ, nhưng vàng cưới thì anh Đoàn không bỏ qua. Nói chuyện phải quấy với Xuân nhiều lần, anh chỉ nhận được thái độ bất cần và sự thách thức. Sui gia giáp mặt đôi ba lần, Xuân vẫn khư khư “của hồi môn là của cha mẹ tôi cho tôi, vàng cưới lúc cho cũng nói cho con dâu” nên “không trả không chia cho ai hết”.

Uất ức, anh Đoàn gửi đơn thưa tới UBND, rồi công an xã nơi Xuân cư ngụ nhờ can thiệp, nhưng càng thêm bế tắc vì nơi nào cũng lắc đầu do không đủ thẩm quyền, bởi anh chị chưa đăng ký kết hôn.

Tháng 12/2013, anh Đoàn nộp đơn ra tòa đòi lại tài sản. Tòa cũng “lắc đầu” trước mong muốn đòi lại toàn bộ số vàng cưới của anh. Theo tòa, anh Đoàn chỉ có thể lấy lại được một nửa số vàng cưới của gia đình anh cho và một nửa của hồi môn. Tuy nhiên, để được chia của hồi môn, anh phải chứng minh được đó là tài sản nhà gái cho chung vợ chồng.

Theo ông Lưu Hải Đăng, thẩm phán TAND huyện Đông Hải, anh Đoàn và chị Xuân không đăng ký kết hôn là vi phạm khoản 1, điều 11, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và vi phạm điểm b, khoản 3, Nghị quyết 35/2000/NQ-QH ngày 9/6/2000 của Quốc hội. Do đó, hôn nhân của anh chị không được pháp luật công nhận và bảo vệ. Trong trường hợp này, tòa vẫn thụ lý giải quyết, nhưng sẽ không giải quyết cho ly hôn mà chỉ tuyên bố không công nhận giữa anh Đoàn và chị Xuân có quan hệ vợ chồng.

Về quan hệ tài sản, anh Đoàn không thể “đòi” đủ lại được số vàng gia đình anh đã cho chị Xuân vì theo phong tục tập quán của địa phương, tiền vàng cho trong đám cưới, đám hỏi được “ngầm” hiểu là cho chung hai vợ chồng, là tài sản chung của hai vợ chồng. Trừ khi có căn cứ để xác định đây là tài sản cho riêng người vợ hoặc người chồng. Vì vậy để giải quyết, tòa sẽ căn cứ khoản 3, điều 17, Luật Hôn nhân và gia đình để chia số tài sản này. Cụ thể là giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết… Do đó, anh Đoàn chỉ có thể “đòi” lại được khoảng 50% số tiền vàng trên, vì đây là tài sản chung.

Riêng đối với số tài sản là của hồi môn thì phải xác định lại thời điểm cha mẹ chị Xuân cho, tặng. Nếu vào thời điểm diễn ra đám cưới có mặt hai họ thì anh Đoàn sẽ được hưởng phân nửa. Còn nếu cho trước đám cưới, anh Đoàn không có mặt thì số tài sản trên thuộc về chị Xuân, nhưng chị Xuân cũng phải có chứng cứ chứng minh đó là tài sản riêng của mình, không nhập vào tài sản chung với anh Đoàn

Trớ trêu là khi nhà gái cho của hồi môn, anh Đoàn lại không có mặt và cũng không có bằng chứng nào chứng minh của hồi môn là của chung hai vợ chồng.

Ngày nay, chuyện cho tặng tiền, vàng cho đôi vợ chồng mới thường diễn ra trước hai họ, hình ảnh được băng đĩa ghi lại nên không còn “cãi cối cãi chày” được nữa. Đối với tài sản có giá trị lớn như đất đai, nhà cửa thì được sang tên trước khi cưới, hoặc nhờ cơ quan chức năng xác nhận việc cho, tặng. Xét về mặt tình cảm, có thể việc này là quá “sòng phẳng”, nhưng về lý thì đó lại là cách tốt nhất để các bậc cha mẹ có thể bảo vệ tài sản cho con cái khi gặp phải cuộc hôn nhân không như mong muốn