Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi ám ảnh suốt đời

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 10 năm đã qua kể từ vụ tai nạn khiến một nữ sinh tử vong, anh T.N.Tuấn (ngoài 40 tuổi, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) vẫn chưa một ngày quên được hình ảnh thảm thương của nạn nhân mà anh vô tình làm thiệt mạng.

Ký ức không quên
Học nghề từ khi 18 tuổi, bước qua tuổi 20, anh Tuấn chính thức được nhận Giấy phép lái xe và cầm vô lăng. Nhớ lại những ngày tuổi trẻ hăng hái ấy, anh Tuấn tâm sự: “Mươi năm trở về trước, lái xe là một nghề đáng hãnh diện và tự hào; thu nhập cũng vào loại cao và ổn định. Còn nhớ thời điểm giá cho thuê một căn phòng khoảng 10m2 chỉ tầm 200.000 đồng, tôi đã đạt mức lương 6.000.000 đồng/tháng”.
Tuổi trẻ, thu nhập cao, anh Tuấn bắt đầu ham vui, sa đà vào những thói hư tật xấu mà phần đa cánh lái xe khó lòng tránh được như cờ bạc, rượu bia... Những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, năm này qua tháng khác khiến anh suy kiệt cả về sức khỏe lẫn tiền bạc. Mà điều nguy hiểm nhất là nó dần biến anh từ một lái xe vững vàng, điềm đạm, có trách nhiệm với tay lái thành một tài xế cẩu thả. Rồi cái điều mỗi lái xe lo sợ nhất cuối cùng cũng đến.
 Xe khách hoạt động trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Hùng
Anh Tuấn nhớ lại, năm đó tôi 32 tuổi, đã có gia đình và chuyển hẳn sang lái xe khách đường dài. Trên đường từ Lạng Sơn về Hà Nội, khi đi qua thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) tôi đã gây ra một vụ tai nạn thảm khốc khiến một học sinh (16 tuổi) thiệt mạng. “Đêm trước ngày đáng buồn nhất cuộc đời tôi đó, tôi thức đến tận gần 1 giờ khuya chơi bài với bạn, cộng với tình trạng thần kinh căng thẳng khi cầm lái, tôi buồn ngủ không thể cưỡng lại được. Lẽ ra nên dừng xe để nghỉ ngơi nhưng vì sợ chủ xe cằn nhằn, trừ lương nên tôi cứ cố lái, rồi xảy ra cơ sự”. Chỉ một thoáng lịm đi trong vô thức, chiếc xe do anh Tuấn điều khiển đã lấn làn, quệt ngã rồi chèn lên cô gái vừa bước qua tuổi trăng tròn...
Kể đến đây, đôi bàn tay anh run lên khiến những vòng khói thuốc bỗng lay lắt hơn. Anh Tuấn may mắn được gia đình nạn nhân bãi nại, không phải ngồi tù nhưng bị tước bằng lái, mãi 2 năm sau mới được cấp lại. Anh vẫn tiếp tục sống với nghề lái xe, nhưng hình ảnh cô bé trong tấm áo học trò màu trắng loang lổ vệt máu, thân hình rũ rượi, co quắp dưới gầm xe vẫn theo ám ảnh anh cho đến tận bây giờ.
Cái nghề rất “bạc”
Sau vụ tai nạn, tất cả tiền bạc, tài sản anh Tuấn tích cóp được đều đội nón ra đi, vợ con lâm vào cảnh thiếu thốn, chật vật. 2 năm bị tước bằng anh phải đi làm xe ôm, phụ hồ để kiếm sống. Nghĩ đến thời kỳ khó khăn ấy, anh Tuấn chép miệng thở dài: “Cái nghề lái xe “bạc” thật. Kiếm bao nhiêu tiền, chỉ một lần sẩy tay là hết sạch”.
Nhưng đó vẫn còn may vì anh được hưởng án treo, không phải ngồi tù. Hết án anh lại thi và được cấp Giấy phép lái xe lần thứ 2. Gia đình từ đó cũng dần dần hồi phục kinh tế, cuộc sống cũng yên ả hơn. “Nhưng có những điều không bao giờ lấy lại được đâu bạn ạ. Gia đình bên kia họ mất con, nỗi đau ấy biết lấy gì bù đắp” - anh Tuấn tâm sự.
Ngay chính bản thân anh, hàng chục năm sau vụ tai nạn, mỗi lần mở cửa xe, ngồi lên ghế lái anh lại một lần thấy run. Nhiều đêm trằn trọc, hình ảnh cô học trò xấu số và tiếng khóc ai oán của bố mẹ cô lại tràn về chiếm lấy tâm trí anh. “Lắm khi mình ôm con mà nước mắt lăn dài. Giá thử mình là người mất mát như gia đình họ, giá thử con cái mình cũng chẳng may gặp điều bất hạnh. Chắc chắn mình sẽ không thể sống nổi, không thể chịu đựng nổi sự đau đớn ấy”.
Đúc kết lại những kinh nghiệm xương máu đã trải qua, anh Tuấn khẳng định: “Mỗi vụ tai nạn giao thông do ô tô gây ra đều ít nhiều xuất phát từ lỗi chủ quan của người lái xe. Những lỗi ấy có khi mắc phải lúc đang cầm lái cũng có khi đã mắc triền miên nhiều tháng ngày, đến một lúc sẽ gây ra hậu quả”. Nghề nào cũng đòi hỏi những quy tắc riêng, với nghề lái xe, đòi hỏi lại càng ngặt nghèo, nghiêm khắc. Đặc biệt tài xế xe khách lại càng phải cẩn trọng, quy củ và tinh thần trách nhiệm tuyệt đối.
Cánh tài xế nhiều khi đùa “Lái xe khách phải sống như sư”, không rượu bia, cờ bạc, ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc... Bởi mỗi người lái xe khi cầm vô lăng là mang lên vai một trách nhiệm xã hội nặng nề. Trước mắt họ không chỉ có con đường mà còn có cả sự an nguy của biết bao con người, hạnh phúc của biết bao gia đình khác nữa. Sau mỗi vụ tai nạn giao thông là sự đau đớn bất tận của mỗi gia đình có người thân thương vong. Bản thân người gây tai nạn, nếu không trả giá bằng chính sinh mạng mình thì cũng phải trả giá bằng nghề nghiệp, bằng cuộc sống của bản thân và gia đình, mang lấy nỗi ám ảnh suốt đời như anh Tuấn.