Nữ sinh tự tử vì làm mất quỹ lớp
Vừa qua, khi dư luận chưa hết bàng hoàng về vụ việc một nữ sinh lớp 9/6 trường THCS Trung Lập, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM dại dột uống thuốc diệt cỏ tự tử chỉ vì làm mất hơn 600 nghìn tiền quỹ lớp không có trả. Thì ngày 20/10, báo chí lại dấy lên thông tin một nữ sinh lớp 10, trường THPT Tiền Phong, huyện Mê Linh tự tử với lý do và cách thức tương tự.
Ông Dương Văn Thuần, Hiệu trưởng trường THPT Tiền Phong, huyện Mê Linh, đang thuật lại sự việc.
Ông Dương Văn Thuần, Hiệu trưởng trường THPT Tiền Phong, cho biết: Ngày 18/10, thầy Trần Quốc Tuấn (giáo viên chủ nhiệm của học sinh Nguyễn Thị L.) đã đưa cho L. 500 ngàn đồng tiền quỹ lớp để em mua quà tặng các cô giáo và tổ chức chương trình chào mừng ngày phụ nữ Việt Nam 20/10. Đến tối ngày 19, khi L. mở cặp sách ra để lấy tiền thì phát hiện bị mất. Lệ đã kể cho bố mình là Nguyễn Đình T. và xin bố tiền bù vào số tiền vừa làm mất. Ngay tối hôm ấy, anh T. đã gọi điện thoại cho thầy Trần Quốc Tuyến bảo L. đã làm mất tiền quỹ lớp và xin cho con mình thôi giữ chức lớp trưởng. Thầy Tuyến đã khuyên phụ huynh của L. nên bình tĩnh và sẽ trực tiếp gặp L. để trao đổi sau.
Tuy nhiên, khoảng 9 giờ 30 phút sáng hôm sau (20/10) L. đã lấy thuốc diệt cỏ trong nhà để tự tử. Ngay sau đó, gia đình đã phát hiện và chuyển lên bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh, tiếp đó là bệnh viện 198 để rửa ruột. Tuy nhiên cháu L. không thể qua khỏi và đã mất vào khoảng hơn 10 giờ sáng ngày 21/10. Trước khi em L. qua đời, lãnh đạo nhà trường cùng thầy giáo chủ nhiệm đã kịp thời đến thăm hỏi tình hình sức khỏe. Lúc đấy, em đã rất yếu nhưng vẫn cố hỏi: “Thầy đã tìm ra người lấy trộm tiền của lớp chưa?”. Vì muốn L. không phải khổ tâm thêm, thầy Tuyến phải nói dối là đã tìm ra học sinh lấy được.
Có một chi tiết đáng chú ý là, trước khi quyết định thực hiện hành động dại dột trên, L. đã viết một lá thư tuyệt mệnh kẹp vào một quyển vở trong cặp sách. Theo ông Trần Văn Ly, Trưởng công an xã Mê Linh, trong bức thư tuyệt mệnh, em L. đã xin lỗi thầy cô, bạn bè và người thân vì đã làm mất số tiền hơn 500 ngàn đồng của lớp. Vì sợ các bạn xì xào, đổ oan cho mình đã lấy cắp tiền nên đã quyết định tìm đến cái chết.
Ông Trần Văn Ly, Trưởng công an xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thuật lại kết quả điều tra.
Trưởng công an xã Mê Linh cho biết: Do xã Mê Linh là vựa hoa lớn, chuyên cung cấp hoa cho Thủ đô nên hầu hết người dân ở đây đều sử dụng loại hóa chất diệt cỏ để tiết kiệm lao động. Loại thuốc diệt cỏ mà cháu L. uống là một chất hóa học cực độc, chuyên dùng để diệt cỏ ở ruộng hoa. Chỉ cần nhấp đầu lưỡi thì sau khoảng 1 tuần là qua đời mà không có cách gì cứu được. Thế nhưng, cháu L. đã uống hẳn loại thuốc đó vào người nên cơ hội sống là không có. Từ khoảng năm 2000 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 9 vụ tự tử, 7 vụ trong số đó nạn nhân đều dùng thuốc diệt cỏ.
Vì sao nên nỗi?
Trước đó, khoảng 13h ngày 8/10 cũng đã xay một vụ việc tương tự. Một nữ sinh lớp 9, trường THCS Trung Lập, huyện Củ Chi, TP.HCM) đã làm mất 600 ngàn đồng tiền quỹ lớp không thể trả. Sợ bạn bè cười chê và bố mẹ rầy la, em đã dại dột uống thuốc diệt cỏ tự tử, để lại nỗi đau thương vô vàn cho gia đình. Trước khi tự tử, Nguyễn Thị C.T. cũng viết một lá thư tuyện mệnh gửi cho các bạn trong lớp như sau: “Các bạn ơi, các bạn ở lại học giỏi nha. C.T. đi trước đây. C.T. giờ đã ngấm thuốc độc vào người rồi, không sống lâu được nữa đâu. Các bạn nhớ cố gắng học tập cho giỏi, nhớ nghe lời cô giáo nghen”. Nhận được tin nhắn trên, một số học sinh cùng lớp đã chạy đến nhà T. nhưng đã quá muộn.
Trường cấp 3 nơi em Nguyễn Thị L. học
Có một điểm trùng lặp kỳ lạ giữa hai vụ việc trên đó là, cả em Nguyễn Thị L. và Nguyễn Thị C.T. đều được cách thầy cô nhận xét là cán bộ lớp chăm ngoan, học giỏi, nhiệt tình trong công tác tập thể, có trách nhiệm trong công việc và chưa bao giờ bị thầy cô khiển trách. Thế nhưng, chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt mà các em tìm cách giải thoát bằng con đường quên sinh. Cả L. và C.T. đang ở tuổi mới lớn vì thế, tâm lý còn chưa ổn định. Khả năng tự lập còn thiếu nên khi phải đối mặt với áp lực của cuộc sống, các em rất dễ bị bế tắc, không biết phải làm sao để vượt qua và nghĩ đến những hành động thiếu chín chắn.
Có một thực tế tồn tại trong nền giáo dục hiện nay đó là, việc giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng vượt qua sức ép tâm lý cho học sinh còn nhiều hạn chế. Hiện nay, ngành giáo dục chỉ chú trọng đến việc truyền đạt tri thức cho học sinh mà coi nhẹ việc giảng giải kĩ năng sống trong thực tế. Vì thế, những vụ việc học sinh tự tử đang có diễn biến phức tạp, gây nhiều xáo trộn cho môi trường học đường.