KTĐT - Ngọc và Hùng lấy nhau khi cả hai là sinh viên mới ra trường. Cuộc sống lúc đó vô cùng khó khăn, Hùng mới chỉ là một anh kỹ sư, lương thấp nên khi Ngọc sinh con anh phải kiếm việc làm ngoài giờ để có thêm thu nhập.
Bạn bè ai cũng nói Ngọc là người sướng nhất có nhà lầu, xe hơi, chồng lại là giám đốc một công ty lớn, 2 đứa con đều đi du học bên Anh. Bạn bè ai cũng mơ ước chỉ bằng một nửa của cô thế nhưng trông Ngọc chẳng có gì là vui vẻ và mãn nguyện.
Nhiều người đoán già, đoán non có lẽ là chồng cô có bồ bên ngoài, ác miệng hơn nói rằng vợ chồng Ngọc đang ly thân, vì thế nên ít khi thấy ở nhà. Cô chẳng thèm quan tâm. Điều làm cô khổ tâm nhất là Hùng mải mê theo đuổi sự nghiệp và tiền tài mà quên mất sự tồn tại của vợ.
Ngọc và Hùng lấy nhau khi cả hai là sinh viên mới ra trường. Cuộc sống lúc đó vô cùng khó khăn, Hùng mới chỉ là một anh kỹ sư, lương thấp nên khi Ngọc sinh con anh phải kiếm việc làm ngoài giờ để có thêm thu nhập. Thế rồi, cuộc sống cũng dần dần ổn định, Ngọc cũng không phải vất vả nhận việc về nhà làm thêm. Cùng với kinh nghiệm và khả năng làm việc Hùng được mời về làm trợ lý giám đốc cho một công ty lớn liên doanh với nước ngoài. Lúc đó, Ngọc cũng xin nghỉ việc ở nhà để chăm lo con cái vì Hùng luôn vắng nhà.
Vui vì chồng có công việc tốt và cơ hội thăng tiến nhưng Ngọc cũng buồn và lo lắng vì những chuyến đi công tác dài ngày của chồng sẽ khiến cho cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Nhưng vì sự nghiệp của chồng, cô chịu đựng và sẵn sàng hy sinh. Không lâu sau đó, Hùng được bổ nhiệm làm tổng giám đốc. Vui mừng bao nhiêu thì Ngọc lại càng buồn tủi và cô đơn bấy nhiêu bởi gắn với địa vị là những chuyến công tác dài ngày, những đêm về muộn bất tận và đồng nghĩa là thời gian Hùng dành cho gia đình chỉ tính bằng giờ hoặc phút. Nhiều lần, mải làm Hùng quên sinh nhật Ngọc. 11 giờ đêm mới sực nhớ, anh chằng kịp mua gì chỉ có lời chúc muộn màng cùng lời thanh minh "Anh bận quá nên quên mất, lần sau anh sẽ nhớ. Em thích gì thì lấy tiền tự mua nhé”. Nói xong, anh lăn ra ngủ.
Trước đây Ngọc còn có hai đứa con là niềm an ủi và căn nhà còn đỡ trống trải nhưng khi chúng lần lượt đi du học thì Ngọc càng cảm thấy sự cô đơn trống trải lên đến tận cùng. Mọi thú vui trước đây biến mất, đi du lịch một mình cũng chán, đi shopping, mua gì sắm gì cũng không vui vì mua đồ ăn có ai ăn đâu, mua quần áo thì cũng ít có cơ hội để chưng diện...
Nhiều lần tưởng Hùng có bồ bịch bên ngoài, Ngọc thuê thám tử để xác thực, nhưng cả tháng trời cô cũng chả nghe được tin gì về chuyện đó. Lúc nào, anh cũng chỉ có công việc là trên hết. Dần dần Ngọc thấy ghét công việc của chồng. Vợ chồng ở cùng nhà mà cô thấy cả hai ngày càng trở nên xa lạ. Cô không hiểu mình chiếm vị trí nào trong lòng chồng. Những lúc ốm đau Ngọc cũng chỉ thui thủi tự chăm sóc mình, bởi anh hoặc là đang đi công tác xa còn nếu ở nhà thì tận khuya mới về rồi lăn ra ngủ, chẳng biết vợ ốm hay khỏe.
Ngọc không muốn cãi nhau với chồng, vì cô hiểu những vất vả và những cố gắng của anh để có ngày hôm nay, nhưng chẳng nhẽ cô cứ phải chịu đựng và sống thế này. Không hiểu cô có thể đủ kiên nhẫn để chịu đựng 15 năm nữa khi anh về hưu hay không?
Giang cũng đang phải chịu đựng sự thường xuyên về muộn cũng như những cuộc nhậu nhoẹt liên miên, về tới nhà lúc nào mùi cũng nồng nặc rượu bia của chồng.
Trung bỏ việc ở cơ quan nhà nước ra ngoài hùn vốn với mấy cậu bạn mở công ty riêng chuyên về xây dựng do anh làm giám đốc. Từ đó không ngày nào Trung không có lý do để về muộn. Khi thì đi tiếp khách, khi thì đi ký hợp đồng, lúc thì phải đi khảo sát công trình… Vô vàn các lý do khiến anh không còn khái niệm về nhà truớc 9 giờ tối.
Nhiều lần con ốm nằm viện, chẳng thấy tăm hơi chồng đâu, mình cô vừa đi làm vừa chăm con. Những lúc đó, Trung lại ngọt nhạt động viên vợ cố gắng và thông cảm vì "công việc nó thế, hơn nữa anh làm vậy cũng chỉ vì muốn cuộc sống của vợ con khá giả hơn". Quá nhiều lý do Trung đưa ra để thuyết phục khiến Giang cũng xuôi xuôi. Nhưng tần suất vắng nhà, về muộn của Trung ngày càng tăng lên làm cô càng bức xúc. Thi thoảng nghe bạn bè và mọi người nhắc khéo: "Chồng làm sếp thì dễ có nhiều em út lắm đấy, không khéo mất chồng như chơi”, khiến Giang càng bất an. Quan hệ vợ chồng cũng thưa thớt dần, có khi vài tháng Trung mới đụng chạm đến vợ một lần. Cô tự hỏi không biết do chồng bận và mệt quá nên quên "nhiệm vụ" hay đã giải quyết bên ngoài nên về nhà không thèm đoái hoài đến vợ.
Khổ hơn là từ ngày Trung làm sếp, mọi người bên nhà chồng đều để ý lời ăn tiếng nói và cách chi tiêu của cô. Không ít lần, cô được nghe lời ra tiếng vào: "Chồng làm sếp tiền để đâu cho hết, thế mà cứ làm như khổ lắm ấy” hay “Nhiều tiền mà chẳng biếu bố mẹ chồng và họ hàng một ít, đúng là càng giàu càng ky”, chua chát hơn: "Chồng làm sếp nên đi đâu mặt vênh lên, nhìn người bằng một con mắt”… Chẳng thấy hưởng lộc của chồng đâu chỉ toàn là những rắc rối và những lời nhờ cậy nếu không được thì quay sang soi mói và trách móc.
Mọi bức xúc không thể nói với chồng và cũng không có thời gian để nói, khiến Giang ngày càng lầm lì ít nói. Nhiều lúc cô ước giá như Trung không làm sếp hay giá như cô không là vợ của sếp, cuộc sống của có thể sẽ thoải mái và vui vẻ hơn.