Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo chất lượng nông sản

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả giám sát trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2021 của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, chất lượng nông sản vẫn là nỗi lo lớn. Nguy cơ mất ATTP tiềm ẩn đối với nhóm thực phẩm tiêu dùng phổ biến.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, ngành NN&PTNT đã chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm ATTP. Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội tập trung lấy mẫu kiểm tra, hậu kiểm và giám sát ATTP, ưu tiên những nông sản, hàng hoá có nguy cơ cao như các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và rau, củ, quả.
 Đoàn liên ngành Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh nông sản, thực phẩm.
Theo thống kê, cơ quan chức năng thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiến hành lấy tổng số 276 mẫu nông sản, thực phẩm. Đến nay, đã có 244 mẫu cho kết quả phân tích. Trong đó, có 232/244 mẫu (chiếm 95,08%) đảm bảo an toàn đối với các chỉ tiêu phân tích; còn lại 12/244 mẫu (chiếm 4,92%) phát hiện một số chỉ tiêu gây mất ATTP.
Cụ thể, có một mẫu rau chứa hoạt chất bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng (Haptachlor); 10 mẫu thủy sản phát hiện chất cấm Malachite Green, Leucomalachite Green; một mẫu sản phẩm thịt có hàm lượng chỉ tiêu vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép. Với những mẫu nông sản, thực phẩm vi phạm ATTP, cơ quan chức năng đã tiến hành cảnh báo nguy cơ và truy xuất nguồn gốc. Trên cơ sở xác định nguyên nhân, yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tự khắc phục hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn tới việc nhiều mẫu nông sản, thực phẩm vẫn chưa bảo đảm an toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP, hữu cơ. Tỷ lệ sản phẩm được truy xuất nguồn gốc chưa cao, chủ yếu vẫn được tiêu thụ dưới hình thức thô, không tem nhãn mác, không tiêu chuẩn chất lượng…

Để từng bước giải bài toán chất lượng nông sản, Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị UBND TP tiếp tục quan tâm kêu gọi, tạo điều kiện cho các DN lớn tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững cho nông sản an toàn trên địa bàn gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, các dự án giết mổ công nghiệp, giết mổ tập trung cũng cần được UBND TP đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Đồng thời, ưu tiên dành nguồn lực phát triển công nghiệp chế biến nông sản nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường tiêu thụ…