Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo của người trẻ Trung Quốc sau đại dịch

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới trẻ Trung Quốc đang phải đối diện với vô vàn những thách thức sau khi Trung Quốc dần bình thường hóa trở lại sau đại dịch.

Người dân tham quan một cuộc triển lãm tại Đài tưởng niệm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 22/6/2021. Nguồn: Reuters
Người dân tham quan một cuộc triển lãm tại Đài tưởng niệm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 22/6/2021. Nguồn: Reuters

Sau ba năm bị phong tỏa, kiểm tra, khó khăn kinh tế và bị cô lập, phần đông thuộc Thế hệ Z của Trung Quốc (1995 đến 2010) đã tìm thấy được tiếng nói chính trị khi mà đã vượt qua được định kiến cho rằng họ chỉ là những anh hùng bàn phím hoặc những kẻ biếng nhác, lêu lỏng, không quan tâm chính trị.

Xoa dịu tỷ lệ thất nghiệp ở mức gần kỷ lục là một thách thức không nhỏ trong hoạch định chính sách đối với chủ tịch Tập Cận Bình, nhất là khi quốc gia này còn ở trong tình trạng chậm phát triển kinh tế với mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ.

Việc vừa cải thiện sinh kế cho giới trẻ những lại không từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của đất nước đã vô tình làm phát sinh những mâu thuẫn cố hữu đối với một quốc gia mà mục tiêu ổn định xã hội luôn được ưu tiên.

Kết quả từ các cuộc khảo sát ở Trung Quốc đối với giới trẻ cũng không mấy khả quan so với các nhóm tuổi khác. Một số nhà phân tích cho biết, sau khi các biện pháp hạn chế covid-19 được gỡ bỏ, giới trẻ gặp phải những rào cản khác trên con đường cải thiện cuộc sống.

Ông Wu Qiang, cựu giảng viên chính trị tại Đại học Thanh Hoa, cho biết: “Khi con đường phía trước của người trẻ ngày thu hẹp hơn, thì hy vọng của họ về tương lai rộng mở cũng dần tan thành mây khói”.

Những bi quan đến từ trải nghiệm

Trong những năm gần đây, một số người dùng mạng xã hội trẻ tuổi của Trung Quốc đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho cộng đồng quốc tế bằng những phản bác kịch liệt đối với chỉ trích trên mạng xã hội nhắm đến Trung Quốc, trong đó có cả chính sách chống Covid-19 của Bắc Kinh.

Họ còn được biết đến với cái tên "little pink" – biệt danh gắn liền với màu sắc của một trang web quốc gia. Thậm chí, họ còn có thể được so sánh với các nhà ngoại giao chiến lang vô cùng hiếu chiến của Trung Quốc và Hồng vệ binh trong Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông.

Khi mà nền kinh tế đang chậm lại bởi sức nặng của các hạn chế ngăn covid-19, một xu hướng đối lập đã xuất hiện. Nhiều thanh niên Trung Quốc đã chọn cách "nằm yên" - mô tả những người đã từ chối cạnh tranh, ganh đua và chỉ thực hiện lối sống tối giản hoặc làm vừa đủ ăn.

Hiện không có dữ liệu cho thấy có bao nhiêu người Trung Quốc đồng tình với trào lưu này.

Một cuộc khảo sát với 4.000 người Trung Quốc của công ty tư vấn Oliver Wyman cho thấy trong tất cả các nhóm tuổi, Gen Z là những người bi quan nhất về triển vọng kinh tế của Trung Quốc. Những người đồng trang lứa với họ ở Mỹ lại lạc quan hơn so với các thế hệ trước.

Theo khảo sát của Wyman được thực hiện vào tháng 10/2022 và công bố vào tháng 12 cùng năm, khoảng 62% Gen Z của Trung Quốc lo ngại về đảm bảo việc làm và 56% lo lắng về triển vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều hơn so với các thế hệ cũ.

Tại Mỹ, nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2022 cho thấy có 45% thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 24 lo ngại về ổn định công việc, nhưng lại đạt mức cao trên thang nhận thức về các triển vọng kinh tế trong tương lai của McKinsey so với tất cả các nhóm trừ những người ở độ tuổi 25-34.

Ông Zak Dychtwald, người sáng lập công ty nghiên cứu Young China Group, cho biết: "Đó là sự bi quan xuất phát từ trải nghiệm. Nó dựa trên thực tế mà họ đang phải trải qua".

Ông cho biết tình trạng bất ổn sẽ không xảy ra trong thời gian tới, nhưng giới cầm quyền Trung Quốc đang chịu áp lực trong việc buộc phải nhen nhóm hy vọng cũng như vạch ra hướng đi cho giới trẻ đất nước tại một cuộc họp lập pháp thường niên vào tháng Ba năm nay.

Thay đổi giới trẻ

Trong bài phát biểu năm mới, ông Tập cho biết sự cần thiết phải cải thiện tương lai của giới trẻ Trung Quốc. “Một quốc gia sẽ thịnh vượng chỉ khi những người trẻ tuổi phát triển” - ông Tập Cận Bình cho biết.

Các nhà phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần tạo công việc lương cao cho những người trẻ tuổi và đảm bảo họ phát triển kinh tế giống như thế hệ trước đó - những người đã chấp nhận các các hạn chế để đổi lấy sự thịnh vượng sau này.

Tuy nhiên để đạt được điều này trong tình trạng chậm phát triển kinh tế của đất nước là rất khó. Bên cạnh đó, một số chính sách cải thiện mức sống cho giới trẻ lại mâu thuẫn với các ưu tiên khác của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như: Đảm bảo mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gấp 15 lần trong hai thập kỷ qua – Theo một số nhà phân tích chính trị và nhà kinh tế.

Đáp ứng kỳ vọng của giới trẻ về một mức lương cao hơn sẽ khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc kém cạnh tranh hơn. Đảm bảo giá cả nhà ở hợp lý có thể đồng nghĩa với việc khiến một lĩnh vực chiếm 1/4 nền kinh tế của Trung Quốc trong những năm đi đến bờ vực.

Đứng trước những khó khăn kể trên, một số người trẻ chọn cho mình hướng đi mới là di cư đến các quốc gia khác. Dữ liệu từ Baidu cho thấy các lượt tìm kiếm trực tuyến về du học đã tăng gấp năm lần so với mức trung bình năm 2021 trong hai tháng phong tỏa tại Thượng Hải vào năm ngoái.