Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa được ban hành cho thấy quyết tâm rất lớn của cơ quan quản lý trong việc giải quyết những hệ quả do một thời đầu tư tràn lan gây ra. Cơ chế khá đầy đủ, điều quan trọng hiện nay là việc thực hiện phải thật nghiêm.
Chậm vì cổ phiếu mất giá
Các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) ước khoảng trên 20.000 tỷ đồng giá vốn. Trong năm 2013, đã có một số TĐ, TCT thực hiện các đợt bán vốn này ra công chúng, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, song phần nhiều thất bại. Đơn cử, cả 2 đợt đấu giá bán cổ phần thoái vốn đầu tư 25,2 triệu cổ phần vào ngân hàng ABBank và 24,033 triệu cổ phiếu (CP) Techcombank của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam trong tháng 8, tháng 9 đều bị hủy do mỗi đợt duy nhất chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia. Lo ngại về tình trạng ế ẩm cũng là lý do được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đưa ra để giải thích cho việc họ chần chừ trong việc thực hiện thoái vốn khỏi OceanBank.
EVN vẫn chưa thoái vốn khỏi ABBank. Ảnh: Mạnh Dũng
|
Nguyên nhân dẫn đến sự thất bại trên là do giá khởi điểm của các đợt chào bán quá cao so với thị giá CP ngân hàng. Chẳng hạn, EVN chào bán CP ABBank với giá 10.000 đồng/CP trong khi trên thị trường chỉ có giá 8.000 đồng/CP. Bên cạnh đó, trong vài năm gần đây, các chỉ số tài chính như tỷ suất sinh lời trên vốn, cổ tức… của CP ngân hàng rất thấp. Chưa kể, hoạt động của các ngân hàng Việt Nam có nhiều điểm chưa minh bạch là những lý do chính khiến CP ngân hàng không phải là món ăn khoái khẩu của giới đầu tư tài chính chuyên nghiệp.
Phần lớn khoản đầu tư ngoài ngành khác cũng có số phận tương tự nếu các TĐ, TCT thực hiện thoái vốn.
Chấp nhận bán lỗ nhưng phải công khai
Trong chỉ đạo mới đây, Chính phủ đã hướng dẫn cụ thể việc cho phép thoái vốn dưới mệnh giá. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này là chuyện không đơn giản, bởi các TĐ, TCT phải trích lập dự phòng giảm giá cho những khoản đầu tư này. Ví dụ, nếu khoản đầu tư của VNPT vào MaritimeBank là 1.000 tỷ đồng giá vốn, thị giá CP này trên thị trường hiện vào khoảng 7.000 đồng/CP, VNPT phải có khoản tiền 300 tỷ đồng để trích lập dự phòng, sau đó mới được bán ra thị trường với giá 7.000 đồng/CP.
Giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán nhận xét, nếu CP ngân hàng được bán đúng với giá trị thực, trên thị trường sẽ có nhà đầu tư quan tâm, kể cả các khoản đầu tư ngoài ngành vào bảo hiểm, bất động sản cũng vậy. Tuy nhiên, phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành là CP chưa niêm yết, trong khi quy định kế toán hiện nay không bắt buộc các TĐ, TCT trích lập dự phòng đầu tư tài chính các khoản dự phòng và cũng không có quy định về việc xác định thị giá của CP này. Nay trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư ấy, rất có thể các TĐ, TCT đang lãi thành lỗ. Liệu lãnh đạo các DN có thực hiện điều này khi DN lỗ đồng nghĩa với việc trách nhiệm người người đứng đầu cũng như các khoản lương, thưởng và nhiều quyền lợi khác bị cắt giảm.
Về vấn đề này, giới chuyên gia: Ông Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư và ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các TĐ, TCT phải chấp nhận có kết quả kinh doanh âm (sau trích lập) để hoàn tất việc thoái vốn khỏi các khoản đầu tư này và tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Điều này khó khăn nhưng sẽ giúp giải quyết dứt điểm những khoản đầu tư trên và kết thúc được những hậu quả do việc đầu tư ngoài ngành tràn lan một thời gây nên.Thông điệp về việc quy trách nhiệm cho lãnh đạo các TĐ, TCT nếu không dứt điểm xử lý các khoản đầu tư ngoài ngành trong nghị quyết mới được ban hành cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy lãnh đạo các DN mạnh tay thoái vốn. Giới chuyên gia cho rằng, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu Chính phủ và các bộ quản lý giám sát chặt và yêu cầu báo cáo thường xuyên, đồng thời sớm yêu cầu các TĐ, TCT công bố báo cáo tài chính năm để công chúng tham gia giám sát.