Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở tại khu chợ bị xuống cấp nghiêm trọng làm dấy lên nỗi lo mất vệ sinh ATTP. “Trắng đêm” tại chợ đầu mối Gần 3 giờ sáng một ngày giữa tháng 8, nhóm phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có mặt tại khu vực chợ đầu mối Hải Bối nằm dưới chân cầu Thăng Long thuộc địa bàn xã Hải Bối, được chứng kiến cảnh hàng loạt xe chở gia cầm tấp nập ra, vào chợ. Tại khu vực cổng vào chợ, một chốt kiểm dịch động vật liên ngành đã được các cơ quan chức năng bố trí hoạt động cố định. Tuy nhiên, theo quan sát, rất ít xe khi qua đây phải dừng lại làm thủ tục, phun khử trùng tiêu độc. Trong khu chợ, hoạt động buôn bán, giết mổ gia cầm diễn ra hết sức nhộn nhịp. Gà, vịt, ngan, ngỗng được nhốt trong những chiếc lồng. Khắp chợ, đâu đâu cũng thấy lông gia cầm bay tứ tung, phân bệt thành từng tảng dày 2 - 3cm dưới nền chợ. Dường như việc thu dọn phân và lông gia cầm không được thực hiện thường xuyên. Mùi hôi thối từ phân gà bốc lên nồng nặc, ám cả vào quần áo. Đi đến đâu, các tiểu thương cũng đon đả mời chào chúng tôi mua gia cầm.
Theo quan sát, khu vực giết mổ gia cầm được chia thành 2 dãy nhà nằm song song ngay sát lối vào chợ. Một cán bộ Trạm Thú y huyện Đông Anh cho biết, có tổng cộng 19 hộ tham gia hoạt động giết mổ gia cầm với hàng trăm người làm nghề, mỗi người một công đoạn. Nước rửa gia cầm đổ tràn lối đi. Việc tiêu thoát nước chậm do hệ thống cống tiêu đã cũ, xập xệ. Tiết gia cầm trong quá trình giết mổ chảy tràn lênh láng trên những chiếc bàn, nền nhà. Phân và lông gà bị vứt bừa bãi... Tuy là chợ đầu mối, nhưng toàn bộ phần mái 2 dãy nhà giết mổ được lợp bằng pibroximăng nhiều chỗ đã bị vỡ nhìn xuyên thấy cả… bầu trời! Toàn bộ khung sắt nhà cầu chợ đã hoen gỉ. Các dãy nhà, ki ốt sau hơn 20 năm xây dựng đến nay đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Tấm biển nội quy giết mổ gia cầm được đặt “trang trọng” tại lối ra vào khu chợ cũng đã bị rách nát và mờ nhạt đến nỗi không còn nhìn rõ chữ (?!). Khi chúng tôi lấy phương tiện tác nghiệp với ý định ghi lại hình ảnh xuống cấp cũng như hoạt động giết mổ tại khu chợ, một số người tự xưng là bảo vệ đã ngăn cản và yêu cầu phải xin ý kiến lãnh đạo Ban quản lý chợ mới được phép (?). Những người này sau khi phát hiện chúng tôi là phóng viên, đã cắt cử người theo dõi sát sao, không rời nửa bước suốt gần 2 tiếng đồng hồ quanh khu chợ. Đến 7 giờ, toàn bộ các tiểu thương bắt đầu dời chợ, chở gia cầm tỏa đi các hướng. Chợ đầu mối rơi vào tĩnh lặng giống như một khu chợ bị bỏ hoang. Kiểm tra thú y cho có? Hạ tầng chợ đầu mối Hải Bối xuống cấp khiến nhiều người hoài nghi về chất lượng vệ sinh ATTP gia súc, gia cầm được giết mổ, buôn bán tại đây. Thực tế cho thấy, hoạt động giết mổ vẫn tiến hành hoàn toàn thủ công, gia cầm sau giết mổ được bày đặt la liệt dưới nền nhà. Quá trình giết mổ vẫn được cán bộ thú y thực hiện kiểm tra lâm sàng, kiểm tra vệ sinh thú y và đóng dấu kiểm dịch. Tuy nhiên, công tác này diễn ra hết sức “chóng vánh”, nếu không nói là chỉ để “có cho xong”. Gia cầm sau đó được vận chuyển bằng xe máy hoặc ô tô tải nhỏ, phần lớn trong số đó không được che đậy. Đối với khu kinh doanh động vật sống, chủ yếu là thịt bò, được bày bán la liệt trên các sàn quầy xây bằng gạch và làm bằng gỗ có chiều cao khoảng 30cm, chưa đảm bảo theo quy định. Một số tiểu thương chia sẻ, thịt gia súc, gia cầm từ đây sẽ được chuyển tới bán buôn, bán lẻ tại các khu chợ, hoặc giao cho các nhà hàng trên địa bàn TP. Ông Phạm Hồng Thái - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đông Anh cho rằng, công tác kiểm dịch đang bị liên đới vì điều kiện giết mổ không đảm bảo tại khu chợ. Trạm Thú y phụ trách việc kiểm dịch, nhưng do điều kiện sản xuất chưa đảm bảo nên không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các sản phẩm gia cầm sau giết mổ. Trước tình trạng giết mổ không đảm bảo gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, Trạm Thú y đã có công văn đề nghị đơn vị quản lý chợ tập trung nâng cấp phần mái chợ, cải tạo hệ thống thoát nước, không phơi lông vịt, gà tại khu vực giết mổ, xây hố sát trùng tại khu vực cổng vào chợ… Ông Thái tỏ ra khá quyết liệt: “Đơn vị đang nghiên cứu sẽ không tổ chức kiểm dịch nếu điều kiện vệ sinh tại khu chợ không được đảm bảo. Quan điểm của Trạm là, nếu đơn vị quản lý chợ không cải tạo chợ xong trong tháng 9 tới, chúng tôi sẽ đề xuất với cơ quan liên quan đóng cửa khu giết mổ gia cầm của chợ”. Sẽ nâng cấp chợ xong trong tháng 9 Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc điều hành Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) thừa nhận hiện trạng xuống cấp của khu vực giết mổ gia cầm trong chợ là có thật. Tuy nhiên, bà Hiền lý giải, khi tiếp nhận chợ đầu mối Hải Bối vào đầu năm 2008 từ chủ đầu tư cũ là UBND huyện Đông Anh, chợ đã xuống cấp. Sau đó, HAPRO đã phải đầu tư cải tạo nhiều hạng mục cũ của chợ để đảm bảo cho tiểu thương hoạt động. Nhưng cũng kể từ đó đến nay, khu chợ chưa được cải tạo thêm bất cứ một lần nào nữa. “HAPRO đã ghi nhận phản hồi từ phía các cơ quan chức năng và đang xây dựng kế hoạch cải tạo một số hạng mục của chợ để đảm bảo vệ sinh ATTP, nhất là đối với khu vực giết mổ gia cầm. Dự kiến, việc nâng cấp khu chợ sẽ được thực hiện xong trong tháng 9/2016” - bà Hiền khẳng định. Đồng thời thông tin thêm, vừa qua, HAPRO đã được UBND TP chấp thuận đề án xây dựng “Trung tâm mua sắm và phân phối”. Dự kiến, việc triển khai sẽ bắt đầu từ năm 2017 trên chính diện tích đất của chợ đầu mối Hải Bối hiện nay. Chính vì vậy, việc cải tạo nâng cấp khu chợ này sẽ chỉ “có mức độ” nhằm tránh lãng phí. Khi được hỏi về việc đảm bảo quyền lợi cho các tiểu thương hiện kinh doanh, buôn bán tại chợ đầu mối Hải Bối, đại diện HAPRO cho biết, đơn vị sẽ phối hợp cùng UBND huyện Đông Anh nghiên cứu, sắp xếp, tiến hành di chuyển các hộ tới hoạt động tại các khu chợ đã được TP quy hoạch. Theo quan điểm của vị Giám đốc điều hành HAPRO, gần 100 hộ hiện đang ký hợp đồng với HAPRO đều là hợp đồng ngắn hạn (6 tháng) và đều nhận thức được rằng việc bán buôn tại khu chợ đầu mối Hải Bối hiện nay chỉ mang tính chất… tạm thời. Trước vấn đề vệ sinh ATTP đang rất nóng hiện nay, HAPRO cần khẩn trương triển khai việc nâng cấp khu chợ, đặc biệt là khu giết mổ gia cầm. Cùng với đó, HAPRO và các đơn vị liên quan cần sớm nghiên cứu, có kế hoạch di dời các hộ tới địa điểm kinh doanh mới, vừa đảm bảo đúng quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ, đồng thời tránh những xáo trộn quá lớn đối với công cuộc mưu sinh của một bộ phận lớn tiểu thương hiện đang hoạt động tại chợ đầu mối Hải Bối.
Khu giết mổ gia cầm không đảm bảo vệ sinh tại chợ đầu mối Hải Bối. Ảnh: Hữu Trường |