Tuy nhiên, đi liền với sự phát triển lớn mạnh của làng nghề thì môi trường nơi đây cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Phát triển lớn mạnh
Làng mộc Phụng Công có lịch sử gần 100 năm. Nơi đây chuyên sản xuất những sản phẩm mộc gia dụng như: Bàn ghế học sinh, ban thờ thần tài, giường, tủ… Sản phẩm của làng nổi tiếng bởi chất lượng bền đẹp, độ tinh xảo và giá trị thẩm mỹ cao. Hiện nay 80% số hộ trong làng tham gia vào làm nghề, mỗi ngày làng nghề sản xuất ra hàng ngàn sản phẩm các loại. Nhờ phát triển mạnh nghề mộc mà đời sống của người dân Phụng Công ngày một nâng cao với thu nhập bình quân 3 – 4 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn. Đây là nguồn lực lớn mạnh góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Trước đây, người thợ Phụng Công làm nghề hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên hiệu quả công việc không cao. Những năm gần đây, người thợ Phụng Công đã đầu tư các loại máy móc hiện đại hỗ trợ sản xuất. Các công đoạn sản xuất chủ yếu như xử lý gỗ nguyên liệu, xẻ, khoan, cưa, đục, tiện… đều phải làm bằng tay, thì nay đã được thay thế bằng hệ thống máy móc hiện đại, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và giải phóng sức lao động.
Ngoài ra các cơ sở sản xuất đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu khách hàng cũng như nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ trên thị trường. Từ đó tìm tòi nghiên cứu, chế tác các mẫu mã mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Sản phẩm của làng nghề Phụng Công giờ đây không chỉ đa dạng về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, bền chắc về chất lượng mà giá cả cũng rất hợp lý. Đây cũng là một trong những lý do giúp cho các sản phẩm mộc truyền thống Phụng Công luôn tìm được chỗ đứng ổn định trên thị trường, được khách hàng cả nước ưa chuộng.
Sống chung với ô nhiễm
Hàng ngày, hoạt động sản xuất của làng nghề đã thải ra môi trường một lượng lớn bụi bặm, hóa chất... làm cho môi trường nơi đây bị ô nhiễm nặng nề. Nhà chị Nguyễn Thị Hiệu, xưởng sản xuất và cũng là nơi sinh hoạt của cả 5 người trong gia đình chị. Dưới sàn nhà ngổn ngang mùn cưa, vỏ hộp sơn, véc ni, những sản phẩm đang làm dở. Các vật dụng trong nhà bị phủ kín một lớp bụi, chị vừa quét dọn vừa phàn nàn: “Làm nghề này nhà cửa không lúc nào sạch sẽ được cô ạ! Dọn đằng trước thì đằng sau đã bẩn ngay. Mình làm nghề nên đành phải chấp nhận “sống chung với ô nhiễm”. Hoàn cảnh của gia đình chị Hiệu cũng là tình trạng chung của tất cả các hộ khác ở làng nghề Phụng Công.
Ông Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Hiện nay vấn đề môi trường làng nghề đang là nỗi nhức nhối của chính quyền địa phương. UBND xã đã tìm nhiều cách để hạn chế ảnh hưởng của ô nhiễm nhưng do số hộ sản xuất đông, chủ yếu là cá thể nên rất khó để quản lý. Lượng bụi bặm, tiếng ồn và hóa chất từ sản xuất không những tác động đến môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sản xuất. Hiện nay, đa phần người dân không được trang bị bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn, người trực tiếp đứng phun sơn chỉ đeo một chiếc khẩu trang mỏng. Nếu tiếp xúc với những hóa chất và bụi bặm lâu ngày rất có thể bị mắc những bệnh về hô hấp, viêm phổi…Để hạn chế ô nhiễm môi trường làng nghề, bên cạnh ý thức tự giác của người dân là việc tăng cường tuyên truyền những kiến thức về an toàn lao động cho các cơ sở sản xuất. Và một giải pháp căn bản hiện nay là sớm có điểm công nghiệp làng nghề cách xa khu dân cư. Đây cũng là mong mỏi lớn nhất của người dân và chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Đình Tuấn đang phun sơn tại xưởng của gia đình.
|