Tăng tỷ lệ tử vong Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên cho biết, 70% cán bộ phụ trách công tác nhiễm khuẩn đều là kiêm nhiệm. Đây thực sự là khó khăn cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế. Thực tế, qua kiểm tra của Sở Y tế cho thấy, tỷ lệ các đơn vị tuân thủ các quy trình chưa cao, nhiều y tá, bác sĩ không thực hiện rửa tay trước khi chăm sóc người bệnh, có tình trạng dùng một đôi găng tay chăm sóc nhiều bệnh nhân.
Thống kê những năm gần đây của Bộ Y tế cũng cho thấy, cả nước còn 8,9% BV chưa thành lập hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, 15,1% BV chưa có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn, 150 BV chưa thành lập khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Theo ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh
(Bộ Y tế), nhiễm khuẩn BV đang trở thành nguyên nhân chính gây nên tình trạng đa kháng thuốc của các loại vi khuẩn, kéo dài thời gian điều trị, gia tăng chi phí y tế, tăng tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân. Theo Bộ Y tế, hiện nay để điều trị bệnh, các bác sĩ không chỉ dùng một mà phải phối hợp nhiều loại kháng sinh nên tỷ lệ kháng thuốc ngày càng tăng lên, như vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và 4. Nghiên cứu của BV Bệnh nhiệt đới T.Ư khảo sát trên 3.671 người bệnh của 15 khoa hồi sức tích cực từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV tới 27,3%, tỷ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và BV dao động từ 60,5 - 99,5%. Qua khảo sát, tại hầu hết các BV đều thiếu nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn so với quy định. Bên cạnh đó nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều BV chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Cải thiện cách nào? Tại hội nghị triển khai kế hoạch Hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, nhiễm khuẩn BV đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn cầu. Tại Việt Nam, vấn nạn nhiễm khuẩn BV ảnh hưởng lớn tới quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân. Đặc biệt còn có tình trạng người bệnh khi đến BV mức độ bệnh nhẹ, song do quá trình kiểm soát nhiễm khuẩn cơ sở không tốt dẫn tới tình trạng bệnh nặng, thậm chí có thể tử vong. Để cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn BV, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, các cơ sở y tế bên cạnh việc chú trọng mua sắm máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cần coi công tác phòng chống nhiễm khuẩn là nhiệm vụ trọng tâm để đầu tư tương xứng. Hiện, Bộ Y tế đang tập trung đẩy mạnh đào tạo đội ngũ làm kiểm soát nhiễm khuẩn chuyên trách, có kỹ năng kiểm tra giám sát và quản lý chất lượng. Mục tiêu đặt ra là có trên 60% BV có bộ phận giám sát chuyên trách đúng quy định và trên 80% BV có bộ phận khử khuẩn, diệt khuẩn đúng quy định. Cùng với yêu cầu về chuyên môn, hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn BV còn là tiêu chuẩn đánh giá chất lượng BV đã được Bộ Y tế đưa vào Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng BV hằng năm.
Khám nội soi cho bệnh nhân tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Thu Ngân |
Hiện, cả nước có tới 20,8% BV có quy mô trên 150 giường bệnh chưa thành lập khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Hầu hết bộ phận giám sát nhiễm khuẩn tại các đơn vị đều thiếu và chưa được đào tạo về giám sát chuyên trách. |