Số người chết và bị thương qua nhiều năm không giảm mà thậm chí còn có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Điều đáng nói, tỷ lệ trẻ vị thành niên, trong đó có lượng lớn học sinh - sinh viên vi phạm luật, gây TNGT ngày một tăng và đang trở thành hồi chuông báo động. Không lo an toàn bản thân Đến các cổng trường THPT trên địa bàn Hà Nội, không khó để nhận thấy nhiều học sinh trong những bộ trang phục trắng tinh khôi "cưỡi" xe máy hoặc đi xe đạp điện nhưng không đội mũ bảo hiểm. Hình ảnh mỗi khi tan trường, học sinh "túm năm, tụm ba", dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp, xe máy dàn hàng ngang thậm chí "kẹp ba, kẹp bốn", lạng lách, đánh võng... không phải là hiếm gặp. Thậm chí, không ít học sinh tự ý thay đổi màu sắc, nhãn mác, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn trang trí mô tô sai quy định, lắp còi sai âm lượng, tụ tập thành nhóm đi tốc độ cao, đùa nghịch trên nhiều tuyến phố...
Học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi cấp Giấy phép lái xe là vấn đề rất đáng lưu tâm, bởi thực tế không ít vụ TNGT xảy ra, trong đó người gây tai nạn và nạn nhân thuộc nhóm đối tượng này. Theo điều tra của Ủy ban ATGT quốc gia, gần 80% số người bị xử lý khi tham gia giao thông có độ tuổi từ 16 - 35. Trong đó, khoảng 80% là học sinh, sinh viên khi đi xe máy không có Giấy phép lái xe; 95% điều khiển xe sai kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều học sinh THPT không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường và thiếu ý thức cũng như kỹ năng để tham gia giao thông an toàn. Dù đã có không ít vụ TNGT xảy đến với các em học sinh đi xe máy tới trường, không đội mũ bảo hiểm, nhưng dường như một phần không nhỏ bộ phận này chưa nhận thức được mối nguy hiểm cũng như hậu quả của việc vi phạm quy tắc ATGT khi điều khiển phương tiện ra đường. Trách nhiệm không của riêng ai Tình trạng mất ATGT ở lứa tuổi cắp sách tới trường đang trở thành vấn đề nan giải, đặt ra bài toán cho các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình trong nỗ lực giảm thiểu nguy cơ tai nạn ở nhóm đối tượng này. Trách nhiệm liên đới đầu tiên phải nói tới là từ phía gia đình. Nhiều phụ huynh dường như rất thờ ơ với nguy hiểm có thể xảy đến với con cái khi vô tư "chiều theo" ý thích của con, cho con sử dụng xe máy đi học, lại càng chủ quan khi ngỡ con đã có đủ các kỹ năng điều khiển xe an toàn. Nhưng các chuyên gia cho biết, ở lứa tuổi còn cắp sách tới trường, tay lái của các em thường yếu, kỹ năng xử lý các tình huống cũng như hiểu biết còn hạn chế, lại thích đùa giỡn, trêu trọc bạn bè. Không lường trước được những nguy hiểm có thể xảy đến trên đường. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho con em, các bậc cha mẹ cần nhận thức sâu sắc, đánh giá đúng và làm gương cho con trẻ. Không nên vì "thương" mà thiếu cẩn trọng trong việc trang bị phương tiện tới trường cho con. Bên cạnh đó, việc các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng CSGT quá "nương tay" hoặc coi nhẹ việc xử phạt các trường hợp học sinh vi phạm cũng là một trong những cách "vẽ đường cho hươu chạy". Mặc dù, có không ít chiến sĩ CSGT bộc bạch những khó khăn khi xử phạt học sinh vi phạm luật giao thông, như thiếu giấy tờ tùy thân, không có tiền nộp phạt,... tuy nhiên đó chỉ là lý giải một chiều, chưa đủ thuyết phục cho việc lơ là xử phạt các trường hợp vi phạm. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và nhà trường trong vấn đề này rất quan trọng. Nhà trường cần thể hiện trách nhiệm thông qua hành động thiết thực, liên quan tới lợi ích của học sinh như việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm, thi đua đối với các trường họp học sinh cố tình vi phạm luật khi tham gia giao thông. Đây không đơn thuần chỉ là biện pháp mang tính răn đe mà hứa hẹn mang lại hiệu quả tức thời trong việc giảm thiểu tỷ lệ học sinh vi phạm. Thế hệ học sinh là tương lai của đất nước. Bởi còn trẻ nên các em còn có những nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về những hành động chưa đúng mà bản thân đang làm khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, để hạn chế thấp nhất những vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, gia đình, nhà trường và xã hội phải đề cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhau vào cuộc, nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ đối với vấn đề giao thông.
Học sinh sử dụng xe đạp điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Ảnh: Yên Chi |