Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo xả lũ…“đúng quy trình”

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Mấy ngày qua, trong lúc đồng bào miền Trung phải gồng mình chống chọi với cơn lũ lịch sử, dư luận không khỏi bức xúc khi Nhà máy Thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ khiến cho hàng ngàn hộ dân của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh trở tay không kịp.

Mặc dù phía nhà máy thủy điện lên tiếng rằng xả lũ “đúng quy trình”, song cái quy trình ấy cũng kịp “tiếp sức” cho thiên tai đẩy hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh lũ chồng lũ, trắng tay trong gang tấc.
 Ảnh minh họa
Không phải ngẫu nhiên mà cả lãnh đạo huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh đều vô cùng bức xúc trước động thái xả lũ của Nhà máy Thủy điện Hố Hô (thuộc Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn), bởi cả chính quyền cùng người dân địa phương đều bất ngờ, không được thông báo trước. Giữa tình cảnh nhiều nơi bị ngập sâu từ 1 – 3m, mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài, hành động xả lũ với lưu lượng 500 - 1.800m3/s của Nhà máy Thủy điện Hố Hô từ chiều 14/10 không khác gì việc tạo ra cơn lũ mới cho người dân Hương Khê.
Điều đáng nói, theo quy định, việc xả lũ phải được thông báo rộng rãi tới chính quyền và Nhân dân địa phương biết trước để chủ động có phương án phòng tránh. Tuy nhiên, dù một mực khẳng định xả lũ đúng quy trình nhưng sự hoang mang, bất ngờ của lãnh đạo cho tới người dân Hương Khê cho thấy sự thiếu trách nhiệm trong việc thông tin cũng như cách điều tiết xả lũ của phía nhà máy thủy điện. Như lời chia sẻ đầy xót xa của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh: “Người dân ở đây có kinh nghiệm đối phó với mưa lũ mà người nào cũng than tối 14/10 nước lên nhanh quá, không kịp trở tay. Thủy điện xả nước như thế, lũ không nhanh sao được!”.
Đối với các công trình thủy điện, việc xả lũ khi mực nước đạt đến ngưỡng nhất định là cần thiết để đảm bảo an toàn cho công trình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xả lũ phải được thực hiện từ trước, khi có dự báo tiên lượng về tình hình thời tiết, chứ không phải xả lũ giữa lúc mưa lớn như Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã làm thì tình trạng úng ngập nặng là điều không tránh khỏi. Hậu quả của cách làm tùy tiện này là “đưa” huyện Hương Khê trở thành huyện bị thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ của tỉnh Hà Tĩnh với hơn 10.000 hộ dân bị ngập. Điều này cũng cho thấy năng lực quản lý, vận hành công trình của nhà máy thủy điện này đang thực sự “có vấn đề”.
Đây không phải lần đầu tiên việc xả lũ của nhà máy thủy điện gây úng ngập và thiệt hại nặng nề cho người dân, mà những năm trước đã từng xảy ra sự việc tương tự. Đơn cử như Nhà máy Thủy điện Bắc Hà (Lào Cai) xả lũ ẩu gây thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu của người dân cuối năm 2014, hay Thủy điện Đắk Srông 2A (Gia Lai), Thủy điện An Khê - Kanak (Gia Lai)... Dẫu Bộ Công Thương đã nhanh chóng thành lập tổ công tác điều tra, làm rõ việc xả lũ ở Nhà máy Thủy điện Hố Hô, song dư luận vẫn không khỏi lo lắng trước tình trạng rất nhiều công trình thủy điện vẫn đang vận hành, có nguy cơ trở thành những “quả bom nước khổng lồ” xả lũ vào dân bất cứ lúc nào. Đã đến lúc cần phải rà soát, kiểm tra nghiêm ngặt các công trình thủy điện, nhất là về năng lực quản lý, vận hành, an toàn kỹ thuật… để kịp thời chấn chỉnh, đảm bảo không gây “nhân tai” cho người dân thêm một lần nào nữa.