Dù vất vả, chế độ tiền lương chưa đảm bảo cho cuộc sống nhưng những công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài, hết mình vì công việc, giữ cho môi trường Thủ đô ngày càng sạch, đẹp. Ảnh: Vũ Lê |
Công việc nặng nhọcAnh Nguyễn Văn - công nhân tổ 18, Chi nhánh Urenco Hai Bà Trưng làm việc trên tuyến phố Đại La chia sẻ: “Công nhân rác luôn phải làm việc trong mùi hôi thối, chất thải độc hại, nhưng buồn nhất là ý thức của một bộ phận người dân chưa cao. Trên nhiều tuyến phố, dù đã đặt các thùng rác, nhưng người dân vẫn thản nhiên chất đống dưới chân thùng.
Trong những ngõ sâu xe tải nhỏ chưa vào được, công nhân vẫn phải đẩy xe tay. Khi gõ kẻng, nhiều người không mang rác ra bỏ ngay, đến khi xe đi qua thì những bịch nilon rác lại xuất hiện giữa lối đi. Thậm chí, có công nhân còn bị người đứng từ xa, trên cao quẳng rác, hắt nước vào người, bị hành hung khi nhắc nhở giữ vệ sinh chung. Nhiều khi chúng tôi thấy buồn, nhưng đã là cái nghề mình theo thì phải gắng hết sức để hoàn thành vừa để có thu nhập lo cho cuộc sống gia đình và cũng góp phần giúp TP xanh, sạch, đẹp”.Không những vậy, công nhân vệ sinh còn phải đối mặt với hiểm họa tai nạn giao thông đe dọa tính mạng, đặc biệt là với công nhân vệ sinh môi trường làm ca đêm. Chị Nguyễn Thị Yến - công nhân Tổ 13 Thái Hà, Chi nhánh Urenco Đống Đa cho biết: “Dịp Tết năm ngoái (Tết Đinh Dậu - PV) khi vừa hết ca làm việc trên đường về nhà vào lúc hơn 2 giờ sáng tôi đã bị chiếc xe máy phóng nhanh đâm trúng tại khu vực cầu vượt Thái Hà.
May mắn tính mạng không sao nhưng tôi bị vết thương nặng ở cổ chân, phải nghỉ làm mấy tháng”. Câu chuyện như của chị Yến không còn là cá biệt, gần đây nhất vào ngày 21 và 25/2 đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông thương tâm mà nạn nhân đều là những công nhân môi trường làm ca đêm. Một nam công nhân thuộc chi nhánh Urenco Hai Bà Trưng đang quét đường Kim Ngưu đã bị người điều khiển xe máy say rượu đâm trúng dẫn đến chấn thương sọ não và một lái xe rác 3 bánh của Công ty Môi trường Thăng Long tử vong do va chạm với xe tải trên đường Tam Trinh.Đời sống chưa đảm bảoTâm sự với chúng tôi, nhiều công nhân vệ sinh cho biết, thu nhập bình quân hiện từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng. “Tôi đã làm công nhân quét rác được hơn 24 năm, thu nhập hiện nay tất cả mọi khoản cộng lại gồm lương, tiền tăng ca, thêm giờ, ăn ca, độc hại được 6 triệu đồng/tháng. Mức lương như vậy so với mức chi phí sinh hoạt hiện nay tôi phải rất chắt chiu thì mới có thể lo cuộc sống cho hai mẹ con” – chị Nguyễn Thị Yến chia sẻ.
Cùng chung tâm tư, chị Nguyễn Thị Thuần, công nhân Công ty Dịch vụ Môi trường Thăng Long cho biết, ca làm việc của chị thường bắt đầu từ 14 giờ 30 đến khoảng 12 giờ đêm. Thời gian làm việc quá dài, công việc lại nặng nhọc, độc hại trong khi đó thu nhập chỉ được 151.000 đồng/ngày công. Nếu cả tháng làm không ngày nghỉ, tất cả thu nhập cũng chỉ được 4.530.000 đồng/tháng.Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty Urenco Nguyễn Hữu Tiến cho biết, công nhân môi trường hiện được hưởng lương theo sản phẩm trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật theo Quyết định 6841 của UBND TP Hà Nội, người làm nhiều lương cao, người làm ít lương thấp. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tiến, thu nhập của người lao động Công ty Urenco năm 2017 có giảm so với năm 2016 khoảng 2%. Do vậy, để nâng mức thu nhập cho công nhân, hiện nay Công ty đang bằng mọi biện pháp để tiết giảm chi phí vật tư, nhiên liệu… Đồng thời xây dựng lại quy chế trả lương gắn liền với sản phẩm và tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ đưa cơ giới hóa thay thế lao động thủ công, thu rác bằng thùng và đầu tư các trạm trung chuyển… để nâng cao chất lượng VSMT và tăng thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh đó, Công ty cũng khuyến khích và hỗ trợ kinh phí cho người lao động có nguyện vọng chuyển đổi từ lao động thủ công sang cơ giới. Tại Urenco, hiện công nhân quét rác có mức lương thấp nhất là 5,5 triệu đồng/tháng, mức cao nhất là công nhân khối cơ giới nếu làm đủ công, đủ khối lượng, lương là 12 triệu đồng/tháng.Theo các chuyên gia môi trường, công nhân vệ sinh môi trường, nhất là những người làm nghề thu gom rác, làm việc trong môi trường vất vả, độc hại. Do vậy không chỉ lương, thưởng, các khoản thu nhập cần được cải thiện, mà các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… phải được bảo đảm. Chỉ như vậy, đời sống của hàng ngàn công nhân vệ sinh môi trường mới được nâng cao, giúp họ gắn bó với nghề lâu dài, điều này đồng nghĩa với việc môi trường Thủ đô sẽ được đảm bảo ngày càng sạch sẽ, văn minh, hiện đại hơn.
Tại buổi làm việc đầu năm 2018 với Công ty Urenco, cho rằng mức lương trung bình của công nhân còn thấp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu: "Công ty cần cắt giảm tối đa các chi phí, giảm bộ máy hành chính để nâng lương cho người lao động. Hiện lương trung bình lái xe 6 triệu đồng là thấp. Một người lái xe mang lại hiệu quả công việc bằng 12 người làm trước đây. Lương ít nhất phải trên 10 triệu đồng mới đảm bảo cuộc sống, đồng thời tránh được việc công nhân làm dối". |
Hàng năm Công ty có khoảng 100 – 130 lao động khối trực tiếp xin thôi việc. Trong năm 2017, có 252 công nhân xin thôi việc do chính sách thay đổi về BHXH đối với cách tính lương hưu 2018 (tăng số năm tham gia bảo hiểm và tăng tuổi đời nghỉ hưu).Tổng Giám đốc Công ty Urenco Nguyễn Hữu Tiến |