Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi niềm được... chồng nuôi

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc sống hiện nay, nhiều tổ ấm hạnh phúc với mô hình chồng đi làm, vợ ở nhà chăm sóc cho chồng và con.

Tuy nhiên, chính sự “hy sinh” ấy của người vợ cũng nảy sinh không ít vấn đề trong cuộc sống vợ chồng bởi cách cư xử.

Ảnh minh họa

Mỗi lần đến chơi nhà chị, chị lại than phiền: “Chán lắm rồi, em ạ. Chị chỉ muốn con bé này nó lớn nhanh nhanh để “tống” đi học, mình tìm việc gì đó để đi làm. Cứ ở nhà như này, nhiều lúc thấy như mình bị ức chế tinh thần ấy, không cáu gắt mà thành ra cáu gắt. Có lúc còn thấy mình như điên lên ấy. Con bé chỉ cần hơi quấy thôi là mình đã muốn đánh, nhưng đánh xong rồi, hai mẹ con lại ngồi ôm nhau khóc. Cứ như bị phát rồ ấy, em ạ”.
Chị tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ, làm văn phòng cho một công ty TNHH, công việc không hẳn là hoàn hảo nhưng cũng tạm ổn. Từ ngày lấy anh, rồi có thai, do sức khỏe yếu nên chị phải nghỉ một thời gian. Khi đi làm trở lại, công ty lại chuyển chị ra làm việc ở cửa hàng, do phải đứng suốt ngày, cộng thêm có thai hay ốm, anh bảo chị: “Thôi em nghỉ ở nhà đi, khi nào sinh con xong rồi xin việc khác làm cũng được”. Thế là chị ở nhà để anh nuôi, rồi sinh, chăm con, lo cơm nước đợi chồng về. Khi em bé đã được một tuổi, chị bàn với anh hay là gửi con đi nhà trẻ để chị đi làm, anh lại bảo: “Em đi làm thì được mấy đồng, gửi con bây giờ cũng đâu dễ kiếm chỗ tốt, hơn nữa cũng đắt đỏ. Con bé lại nhỏ thế kia, đi lớp rồi ốm thì sao. Thôi em cứ ở nhà đi, anh còn lo được...”. Thế là chị lại đành bấm bụng ở nhà, con mỗi ngày mỗi lớn, nhưng cứ đề cập đến chuyện đi làm là anh lại đưa ra biết bao lý do...
Trường hợp của chị không phải là hiếm hiện nay. Rất nhiều người phụ nữ sau khi sinh con vì một lý do gì đó ở nhà chăm con và lâu dần trở thành “bà nội trợ” luôn. Một cô gái khác cũng vậy. Vốn là một cô giáo mầm non, khi sinh con, chồng cô bảo: “Thôi em đi làm thì được mấy đồng, nghỉ ở nhà chăm con, anh lo cho”. Thế là cô nghỉ việc, ở nhà nuôi con, đến nay con đã đi học lớp 1 rồi, nhưng cô vẫn chưa thể đi làm lại vì không xin được việc. Mỗi khi con đi học, cô thấy mình thừa ra ngay trong chính ngôi nhà của mình.
“Ở nhà chỉ mỗi việc chăm con, cơm nước, chồng đi làm kiếm tiền mang về, liệu có sướng không?”, nhiều người phụ nữ chua chát tự hỏi. Hỏi rồi đấy lại tự thở dài. Chị vẫn bảo, dù chồng là một kiến trúc sư, nhưng một người đi làm nuôi ba người không hề dễ trong thời buổi này, nên anh phải cặm cụi làm thêm, nhận thêm việc về nhà làm. Anh đi từ sáng sớm, đến tối mịt, về đến nhà ăn vội bát cơm, chưa kịp chơi với con, cười với vợ đã lên phòng làm tiếp. Không những không quan tâm gì đến việc nhà, con ốm, con đau anh cũng phó mặc cho chị. Có những đêm con khóc cả đêm, gọi anh thì anh bảo “có mỗi việc bế con thôi mà cũng kêu”. Chị buồn, vừa bế con chị vừa khóc cho mình.
Nhiều người khi nhìn vào những người phụ nữ được “chồng nuôi” thấy họ thật sung sướng. Trong khi người người sáng sáng phải vội vã đi làm, họ có thể thư thái hơn, thích đi đâu thì đi, thích làm gì thì làm. Nhưng cuộc sống đâu đơn giản vậy. Ở nhà nhiều, không tiếp xúc với xã hội, nhiều người thấy mình như già đi, bệ rạc ra cả trong cách ăn mặc lẫn giao tiếp. Không ít cô gái vốn trẻ trung, yêu đời, nhưng sau một thời gian lấy chồng, ở nhà chăm con tự nhiên biến thành một “mẹ sề” đúng nghĩa. Và họ luôn thấy mình tụt lại sau bạn bè và chính cả chồng mình. Hơn thế nữa, sống phụ thuộc vào kinh tế, dù là kinh tế của chồng, chẳng sướng gì. Nếu chẳng may “vớ” phải chồng có tính cân đo đong đếm thì cuộc sống lứa đôi cũng dễ rạn vỡ. Chưa kể, do quan niệm, nhiều người chồng không coi việc chăm con, nội trợ của vợ là một nghề để trân trọng và yêu thương vợ và không ít gia đình đã rơi vào bi kịch khi một trong hai người không hiểu và chia sẻ được vai trò của người kia.
Không ít người vợ muốn độc lập kinh tế nhưng vì hoàn cảnh phải ở nhà nên dễ stress, cáu gắt hoặc trở nên tự ti, buông thả bản thân khiến chồng chán ngán. Và phần lớn họ khi được hỏi đều thấy thèm cái cảm giác như hồi còn đi làm, tuy áp lực nhưng lại được sống hết mình cho công việc và họ ước rằng “giá như mình đừng nghỉ việc”, “giá như bây giờ mình có thể đi làm”... Bởi dù rằng, cuộc sống của họ vẫn trôi đi trong phẳng lặng, nhưng có thực sự hạnh phúc hay không chưa ai dám chắc.