TTCK thế giới cũng vừa trải qua một phiên đỏ rực, giảm giá tệ hại. Chứng khoán châu Á đỏ lửa trong nhiều phiên giao dịch. Trong phiên ngày 9/2, chỉ số Topix Nhật Bản giảm 3,3%. Phiên liền trước đó, chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 của Mỹ giảm kỷ lục đến hơn 10% do lo lắng lãi suất tăng sẽ kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế đi xuống. Dow Jones cũng gặp thất bại trong việc giữ mốc 24.000 điểm. Cả hai chỉ số chính đều đang tiến đến đường giá trung bình 200 ngày.
TTCK Việt Nam bắt đầu giảm sốc từ phiên ngày 5/2. Trong phiên đó, VN-Index giảm 56 điểm trở thành chứng khoán giảm mạnh nhất châu Á. Đó cũng là lần đầu tiên trong khoảng 1 năm rưỡi qua xuất hiện tình trạng bán tháo, với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn trắng bên mua. Hơn 8 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường chỉ trong một phiên giao dịch.
Hiện tượng TTCK giảm giá bất ngờ, nằm ngoài nhận thức và kiểm soát của số đông được xem là một ví dụ điển hình của hiện tượng Thiên nga đen được nhắc đến trong cuốn “Thiên nga đen” của Nassim. Con người có thể tính toán đến từng giây lúc nào có nhật thực, nhưng không thể dự báo chính xác biến động giá chứng khoán. Các quy luật kinh tế đều phải chiếu qua lăng kinh tâm lý con người.
Trước đó, TTCK Việt Nam cũng trải qua một cú sốc nhưng không phải là giảm giá mà là sự cố kỹ thuật, đúng vào lúc sôi động và lên mức cao kỷ lục chưa từng có. Một sự cố hy hữu, 10 năm có 1: Hủy bỏ ngàn tỷ giá giao dịch, tạm ngừng 2 phiên tiếp theo.
Sự cố xảy ra vào cuối phiên ngày 22/1. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) sau đó đã ngừng giao dịch phiên ngày 23 và 24/1 sau khi đã hủy kết quả giao dịch đợt khớp lệnh định kỳ cuối phiên ATC hôm 22/1.
Bất chấp mất kết nối với HOSE, thanh khoản thị trường khi đó vẫn đạt hơn 9.000 tỷ đồng, VN-Index bứt phá hơn 25 điểm với hàng loạt cổ phiếu tăng trần lên gần 1.090 điểm. HNX-Index cũng tăng vọt lên gần 123,9 điểm.
Dòng tiền ồ ạt: Sự hưng phấn không thể ngăn cản
Trước đó, trong năm 2017, Sở GDCK TP.HCM chứng kiến bước đột phá lớn. Chỉ số VN-Index tăng 48%. Vốn hóa chỉ trong năm 2017 tăng thêm gần 50 tỷ USD lên gần 110 tỷ USD. Giao dịch trên sàn này gần đây đạt khoảng 8.000 tỷ đồng/phiên. HOSE cùng với sàn chứng khoán Hà Nội và Upcom trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Theo một chuyên gia chứng khoán, áp lực bán lên cao trong vài phiên gần đây trước hết là do thị trường đã tăng mạnh trong thời gian qua. Nó diễn ra ở vào thời điểm các nhà đầu tư nóng lòng chốt lời và rút tiền trước Tết Nguyên đán để tránh một kỳ nghỉ kéo dài hơn chục ngày. TTCK thế giới đỏ rực, giảm giá tệ hại cũng là thông tin gây ảnh hưởng tới tâm lý của các NĐT trong nước.
Với áp lực như hiện tại, nhiều NĐT lo ngại TTCK sẽ đón Tết với VN-Index dưới ngưỡng 1.000 điểm.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, những phiên tụt giảm trên TTCK thế giới như hôm 8/2 khiến giới đầu tư nghi ngờ tính lành mạnh của thị trường. Trên TTCK Việt Nam cũng vậy, nó kích hoạt hoạt động phòng thủ của các NĐT, bán ra thu tiền về và chờ xem thị trường trở nên rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường có triển vọng tươi sáng. Dòng vốn ngoại vẫn đang dồn dập đổ vào thị trường.
Theo ông Tuấn, các số liệu tới giờ này vẫn cho thấy một điều rằng, đây là một đợt điều chỉnh giảm của TTCK, chứ không phải đảo chiều. TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế, mà kinh tế đã và đang phát ra các tín hiệu tốt. Vốn đang chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh, lãi suất có xu hướng giảm, tăng trưởng kinh tế ở mức cao, lạm phát được kiểm soát, dòng vốn ngoại vẫn ồ ạt tìm đến Việt Nam, thị trường tài chính ổn định,...
Hiện tại, sau vài phiên giảm, TTCK đang rẻ hơn khá nhiều so với mức cao vừa thiết lập gần đây, với mức giảm hơn 10%.
Chuyên gia tại một CTCK tại TP.HCM cho rằng, TTCK có thể sẽ ổn định lại khi bước sang tháng 3. Hiện tại, dòng USD tiếp tục chảy vào Việt Nam. Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ấn tượng trong năm 2017 và có thể sẽ đặt kế hoạch lợi nhuận 2018 ở mức cao hơn.
Về tổng thể cơ bản của thị trường vẫn tốt lên. Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khi lãi suất đang trên đà giảm xuống, khi mà thanh khoản ổn định và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng không còn là gánh nặng.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, các chính sách trong thời gian tới sẽ đồng bộ hơn, không chồng chéo và ngược nhau. Trong bối cảnh Nhà nước muốn thoái vốn, rất có thể các chính sách hỗ trợ thị trường sẽ được phối hợp tốt hơn như: đẩy nhanh tốc độ lên sàn của DN, tăng IPO, thoái vốn. Dự thảo hạ tỷ lệ ký quỹ có khả năng hoãn vô thời hạn.
Việc thực hiện các thương vụ IPO cũng được tính toán tốt hơn, từ chọn thời điểm một cách đúng đắn, cung vừa phải không gây bội thực đến việc thuê tư vấn am hiểu và có năng lực hơn để tránh tình trạng tốt biến thành xấu, lỗi về thời điểm về cách thức bán hàng.
Điều quan trọng, theo nhiều CTCK là, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang hấp dẫn, các doanh nghiệp trụ cột đầu ngành đang hoạt động tốt và tăng trưởng ấn tượng. Quy mô TTCK tăng mạnh thời gian qua và sẽ sớm được nâng hạng. Đây là những yếu tố quyết định tới đà tăng của thị trường trong thời gian tới.