Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nối tiếp bản trường ca chinh phục sông Đà

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau gần 7 năm thi công, ngày 23/12, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, Thủy điện Sơn La đã chính thức khánh thành, sớm 3 năm so với dự kiến.

 
Nối tiếp bản trường ca chinh phục sông Đà - Ảnh 1
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành T.Ư  và tỉnh Sơn La cắt băng khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La sáng 23/12/2012.Ảnh: Ngọc Hà
Với công suất lắp đặt 2.400MW, gồm 6 tổ máy, sản lượng điện trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh, việc đưa công trình Thủy điện Sơn La về trước kế hoạch 3 năm không chỉ tiết kiệm hơn 40.000 tỷ đồng mà còn tạo nên nhiều dấu ấn quan trọng.

Dấu ấn đáng ghi nhận nhất như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khánh thành là lần đầu tiên một dự án thủy điện lớn mà từ khâu tư vấn, thiết kế cho đến cung cấp thiết bị cơ khí thủy công, xây lắp, hoàn thiện công trình đều do các đơn vị của Việt Nam thực hiện.

Tầm vóc công trình

Nằm ở bậc thang thủy điện thứ 2 trên dòng sông Đà, công trình chính của Thủy điện Sơn La đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ngoài nhiệm vụ cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia công trình còn góp phần chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

 Chính vì thế không chỉ là công trình thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á, ngày khánh thành Thủy điện Sơn La cũng là ngày ghi dấu những cái nhất của công trình. Đầu tiên, so với tiến độ Nghị quyết mà Quốc hội yêu cầu (dự kiến Nhà máy hoàn thành toàn bộ vào năm 2015), Thủy điện Sơn La đã cán đích trước thời hạn 3 năm.

Nối tiếp bản trường ca chinh phục sông Đà - Ảnh 2

Công trình Thủy điện Sơn La về đêm (ảnh lớn). Kiểm tra công tác vận hành tại khu vực điều hành trung tâm (ảnh dưới).Ảnh: Ngọc Hà

Ngày 17/12/2010, tổ máy số 1 đã được hòa lưới thành công, tiếp đó lần lượt các tổ máy số 2, 3, 4 được vận hành an toàn trong năm 2011. Ngày 26/9/2012, tổ máy số 6 - tổ máy cuối cùng của nhà máy Thủy điện Sơn La, đã được khởi động không tải vào lúc 9 giờ ngày 23/9, sớm hơn dự kiến.

Thủy điện Sơn La cũng ghi nhận là công trình có khối lượng thi công lớn nhất trong khu vực: Diện tích lưu vực: 43.760 km2; Dung tích hồ chứa: 9,26 tỷ m3; Kết cấu đập bê tông trọng lực cao 138,1m; Chiều dài đỉnh đập 961,6m; công trình có 12 khoang xả sâu, 6 khoang xả mặt… Ngoài ra, Thủy điện Sơn La cũng gắn nhiều thiết bị quan trắc nhất bao quanh thân đập chính để đảm bảo an toàn công trình…  Và để phục vụ xây dựng Nhà máy đã có 20.260 hộ, 95.733 khẩu thuộc ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phải di dời lên chỗ ở mới, nhường đất cho dự án. Đây là con số di dân phục vụ công trình lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài việc di dân, dự án còn phát triển các công trình hạ tầng giao thông, điện, trường, trạm...

Công trình cũng ghi nhận một đội ngũ đông đảo các đơn vị thi công, xây lắp lớn trong nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ đầu tư; Tổ hợp nhà thầu xây lắp do Tổng Công ty Sông Đà, làm tổng thầu; Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn và Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI) là các nhà thầu phụ. Trên công trường, thời kỳ cao điểm có tới hơn 12.000 công nhân thường xuyên làm việc; hơn 16,6 triệu mét khối đất đá được đào xúc; hơn 20 triệu mét khối đất đá được vận chuyển; đầm hàng triệu mét khối đất nền, đổ gần 6 triệu mét khối bê - tông; lắp đặt 115.000 tấn thiết bị... Ngoài ra, nhiều chi tiết, thiết bị siêu trường siêu trọng cũng đã được vận chuyển an toàn để phục vụ công trình…Với tất cả lòng tự hào, có thể nói công trình thuỷ điện Sơn La đã tiếp nối "Bản trường ca chinh phục sông Đà" và thật sự trở thành một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.

Đánh thức tiềm năng vùng Tây Bắc

Với việc di dời hơn 20.000 hộ dân đến nơi ở mới, ngay từ khi lập dự án, UBND các tỉnh nằm trong vùng dự án đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn hình thức khoán tiền cho dân (bằng giá trị nhà ở do Nhà nước xây dựng). Điều này đã giúp người dân tận dụng vật liệu cũ tự xây dựng nhà cho mình tại khu, điểm tái định cư phù hợp với quy hoạch chi tiết; phương án sản xuất được chọn theo hướng cây trồng, vật nuôi phù hợp với trình độ dân trí. Kết hợp với công tác di dân, dự án đã phát triển các công trình hạ tầng giao thông, điện, trường, trạm… thực sự góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc.

Bộ GTVT cũng đã hoàn thành đúng hạn cầu Pa-Uôn và đoạn tránh ngập quốc lộ 279; cầu mới Hang Tôm và đoạn tránh ngập của quốc lộ 12… Đây là những hạng mục không nhỏ góp phần bảo đảm giao thông trong khu vực.

Trong ngày khánh thành công trình, ông Hoàng Trọng Nam, Giám đốc Công ty Thuỷ điện Sơn La đánh giá, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, chắc chắn kinh tế du lịch sẽ phát triển. Những khoản đầu tư về môi trường, sinh thái, cảnh quan hôm nay không chỉ làm đẹp nhà máy mà còn là bước chuẩn bị cho việc phát triển kinh tế - xã hội sau này ở đây. Đặc biệt vùng hồ thuỷ điện với hàng triệu héc - ta mặt nước không chỉ đơn thuần khai thác nguồn năng lượng thuỷ điện mà cũng là khu du lịch đầy tiềm năng.

Trên lưng chừng núi tả ngạn sông Đà, ngay trên nhà máy thuỷ điện, Đài tưởng niệm công trình Thuỷ điện Sơn La cũng đang bước vào hoàn thiện, vươn mình hiên ngang bên núi đá cao. Đó là nơi ghi công những con người đã đóng góp toàn bộ tâm sức của mình cho công trình Thuỷ điện thế kỷ Sơn La, góp phần trí tuệ, máu thịt của mình làm nên bản hùng ca trên dòng Đà Giang.